(ĐTĐ) – Nằm trong hệ thống Adenylat cyclase được nghiên cứu và phát hiện bởi E.W. Sutherland (1950), Cyclic adenosine monophosphate và Cyclic guanosine monophosphate, viết tắt là AMPc (AMP vòng) và GMPc (GMP vòng), đã thực sự trở thành những chất truyền tin thứ hai có chức năng sinh lý hết sức quan trọng trong cơ thể con người và động vật.
Chúng không những đóng vai trò là giới chất nội bào của khá nhiều hormone mà còn là mắt xích trung gian trọng yếu của một số chất dẫn truyền thần kinh, từ đó điều tiết quá trình chuyển hóa của tế bào và có quan hệ mật thiết với hệ thống thần kinh thực vật. Sự biến đổi của hàm lượng AMPc và GMPc trong cơ thể cũng có ý nghĩa rất lớn đối với quá trình phát sinh và phát triển của bệnh tật. Thực nghiệm đã chứng minh, nồng độ của hai chất này có tác dụng điều tiết hoặc ức chế tương hỗ lẫn nhau. Có tác giả cho rằng, hệ thống điều tiết kép AMPc và GMPc cũng dựa trên nguyên lý cơ bản của học thuyết âm dương trong y học cổ truyền phương Đông. Vì vậy, nhiều nhà nghiên cứu đã tiến hành thăm dò tác dụng của Cyclic nucleoside phosphate trong quá trình châm cứu trên một số vấn đề sau đây.
1 – Biến đổi của hàm lượng AMPc và GMPc trong não khi châm cứu giảm đau
Kết quả nghiên cứu cho thấy, nếu ngưỡng đau tăng cao sau khi châm thì hàm lượng GMPc trong não trung gian và thân não cũng tăng lên, nếu ngưỡng đau chưa tăng thì trị số này cũng không có biến đổi rõ rệt. Điều đó cho thấy, hàm lượng GMPc trong não trung gian và chất não có quan hệ mật thiết với chất lượng châm cứu giảm đau. Cơ chế của hiện tượng này đã được thực nghiệm chứng minh là do châm cứu đã ức chế hoạt tính của men GMPc phosphodiesterase (có thể thông qua việc làm phóng thích một chất nào đó giống Endomorphine) khiến cho nồng độ của GMPc gia tăng và qua đó điều tiết tác dụng giảm đau của châm cứu.
Từ Siêu (1981) đã quan sát thấy, điện châm làm giảm 32,5% hàm lượng AMPc ở đoan não (akrencephalon, endbrain), 18% ở toàn não và làm tăng 43% hàm lượng GMPc ở thân não, 25% ở não trung gian của chuột. Những biến đổi này đều được hồi phục sau khi tiêm Naloxone vào não thất. Tưởng Bảo (1980) phát hiện, khi điện châm nâng cao ngưỡng chịu đau của chuột thì hàm lượng AMPc trong não giảm thấp, ngừng châm thì trị số này trở về mức bình thường ; nếu tiêm Naloxone vào não thất thì mặc dù hàm lượng AMPc trong não có thể hồi phục nhưng hiệu ứng giảm đau của châm cứu không bị mất hoàn toàn. Điều này cho thấy, khả năng trấn thống của châm cưú ngoài việc thông qua các Morphine nội sinh và AMPc còn có những cơ chế phức tạp khác.
Một nghiên cứu khác nhận thấy, khi ngưỡng đau tăng cao do điện châm thì hàm lượng AMPc trong nhân đuôi giảm thấp, lúc này tiêm tĩnh mạch Naloxone không những làm trở ngại một phần hiệu ứng giảm đau của châm cứu mà còn gây trở ngại hoàn toàn tác dụng làm giảm nồng độ AMPc. Khi hàm lượng Dopamine trong nhân đuôi tăng cao do tiêm L- DOPA tĩnh mạch thì hiệu ứng trấn thống của châm cứu và nồng độ AMPc trong nhân đuôi đều giảm thấp, nếu tiêm tĩnh mạch Haloperidol trước khi châm cứu để phong bế thụ cảm thể dopamin thì hiệu ứng giảm đau được nâng cao nhưng hàm lượng AMPc sau châm vẫn hạ thấp, điều này chứng tỏ hiện tượng giảm nồng độ AMPc trong nhân đuôi khi điện châm có khả năng do lượng Endorphine gia tăng, mà chất này lại ức chế sự phóng thích Dopamine nên cả hai đều góp phần làm giảm hàm lượng AMPc trong nhân đuôi.
Ngoài ra, có tác giả nhận thấy khi châm hai huyệt Nhân trung và Thừa tương để giảm đau ở chuột, hàm lượng AMPc ở vỏ đại não thùy đỉnh tăng cao, nhưng sự biến đổi của GMPc lại không rõ rệt.
2 – Ảnh hưởng của việc thay đổi hàm lượng AMPc và GMPc trong não tới tác dụng giảm đau của châm cứu
Khi tiêm AMPc vào não thất của chuột với liều lượng từ 50 – 400 g có thể thấy ảnh hưởng đối kháng rõ rệt tới hiệu ứng giảm đau của điện châm, nếu tiêm một lượng GMPc thích đáng thì lại có tác dụng ngược lại. Khi tiêm vào khoang dưới nhện tủy sống chuột một lượng Dibutyryl AMPc thay thế cho AMPc và Dibutyryl GMPc thay thế cho GMPc (những chất không dễ bị phá hủy và dễ dàng lọt qua màng tế bào) thì thấy rằng: Dibutyryl AMPc có tác dụng làm giảm và Dibutyryl GMPc có tác dụng làm tăng hiệu ứng giảm đau của điện châm. Điều này cho thấy tác động của AMPc và GMPc trong não và trong tủy tới hiệu lực giảm đau của điện châm là tương đồng.
Khi tiêm vào não thất chuột Aminophylline có tác dụng ức chế men phosphodiesterase để làm tăng AMPc trong não thì hiệu quả giảm đau của điện châm giảm thấp, nếu tiêm Iminazole có tác dụng kích hoạt men phosphodiesterase để làm giảm lượng AMPc trong não thì hiệu ứng trấn thống của điện châm lại được tăng cường. Những nghiên cứu thực nghiệm tiêm từng vùng não cục bộ cũng cho thấy, nếu tiêm AMPc vào vùng bên của hypothalamus có thể làm tăng ngưỡng đau rõ rệt, nếu tiêm Aminophylline vào vùng này thì cũng gây nên hiệu quả tương tự. Điều này chứng tỏ AMPc có vai trò trọng yếu trong việc điều tiết cảm giác đau ở hạ khâu não. Ngoài ra, khi tiêm GMPc vào vùng bên của hypothalamus thì có tác dụng làm giảm hiệu quả trấn thống của điện châm, chứng tỏ lượng GMPc trong não cũng có vai trò quan trọng trong việc điều tiết hiệu quả giảm đau của điện châm.
Có tác giả đã quan sát tác dụng của việc tiêm GMPc vào não thất chuột đối với hiệu ứng giảm đau của điện châm và ảnh hưởng của Naloxone, Atropine và Hemicholine đối với tác dụng của GMPc. Kết quả cho thấy, GMPc khi tiêm vào não thất không những làm tăng tác dụng giảm đau của điện châm mà còn có khả năng kéo dài hiệu ứng này sau khi thực hiện thủ thuật ; tiêm Naloxone có thể chuyển tác dụng của GMPc theo hướng ngược lại, làm giảm 99% hiệu ứng trấn thống của châm cứu ; tiêm Hemicholine nhằm ức chế Acetylcholine cũng làm giảm 18% hiệu ứng trấn thống của châm cứu, trên cơ sở này nếu tiêm GMPc có thể khiến hiệu ứng giảm đau của châm cứu tăng 42% nhưng vẫn không đạt được mức trung bình vốn có là 80%, điều này chứng tỏ đối với tác dụng gia tăng hiệu lực châm cứu của GMPc, Hemicholine cũng có sự đối kháng ở một mức độ nhất định ; tiêm Atropine vào khoang bụng của chuột có tác dụng phong bế hiệu lực của GMPc đối với châm cứu, vì thế có thể suy đoán rằng tác dụng tăng cường hiệu quả giảm đau trong châm cứu của GMPc là thông qua các receptor dạng muscarinic để thực hiện. Như vậy, GMPc một mặt hưng phấn trực tiếp opium receptor, một mặt hưng phấn hệ cholinergic, từ đó gia tăng hiệu quả giảm đau của châm cứu. Có tác giả thông báo, nếu tiêm GMPc vào não thất của chuột đã “trơ” với điện châm có thể làm cho khả năng giảm đau của thủ thuật này được hồi phục một phần ; nếu dùng L- tetrahydropalmatine (rotundin) để ức chế sự hình thành AMPc thì hiệu lực trấn thống của điện châm cũng tăng lên.
3 – Sự thay đổi của hàm lượng AMPc và GMPc huyết thanh trong châm tê và châm cứu giảm đau
Phòng nghiên cứu châm tê thuộc Bệnh viện số 2 Thượng hải (1978) khi khảo sát mối quan hệ giữa hiệu quả châm tê và hàm lượng AMPc huyết tương của 41 bệnh nhân trước và sau khi tiến hành thủ thuật này nhận thấy: ở những ca tê tốt (độ 1và 2) thì hàm lượng AMPc huyết thanh ổn định hoặc có xu hướng hạ thấp ; ở những ca tê không tốt (độ 4 và 5) thì có xu hướng tăng cao, sự khác biệt có ý nghĩa thống kê. Văn Doãn Dật (1979) thông báo, trong giai đoạn đầu của thủ thuật châm tê, lượng AMPc huyết thanh của những ca tê độ 1 hạ thấp hoặc không biến đổi, độ 3 thì tăng cao ; giai đoạn giữa thủ thuật, những ca tê độ 1, 2 và 3 thì tăng cao, trong đó độ 3 tăng cao nhất và hồi phục chậm, độ 1 thì tăng ít nhất và cũng hồi phục nhanh nhất. Bệnh viện Trung y Thượng hải (1979) cũng nhận thấy, hiệu quả châm tê tốt thì lượng AMPc huyết thanh hạ thấp hoặc không đổi, hiệu quả kém thì tăng cao. Như vậy, giữa hiệu quả châm tê và lượng AMPc huyết thanh có một mối quan hệ nhất định, thể hiện vai trò quan trọng của AMPc trong việc điều tiết cơ chế sinh lý của châm cứu.
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Khâu Ninh Nham (1988) khi quan sát chuột gây viêm khớp bằng hoá chất nhận thấy, khi ngưỡng đau sau châm cứu được nâng cao thì lượng AMPc huyết thanh cũng tăng cao rõ rệt, nếu tiêm Fentanyl và Haloperidol cho chuột thì mặc dù ngưỡng đau của da được nâng cao nhưng hàm lượng AMPc huyết thanh lại không biến đổi, nếu tiếp tục cho châm cứu thì lượng AMPc lại tăng lên. Phương Tiên (1979) cũng nhận thấy, khi châm cứu giảm đau cho chuột thì hàm lượng AMPc trong huyết thanh và nước tiểu đều tăng rõ rệt.
Khi tìm hiểu cơ chế biến đổi của AMPc và GMPc trong châm cứu, có tác giả nhận thấy, nếu châm cho chuột bình thường và chuột được dùng 6- hydroxydopamine để phong bế thần kinh giao cảm hoặc cắt bỏ tuyến thượng thận hai bên thì lượng AMPc huyết thanh sau châm đều tăng lên rõ rệt, nhưng ở nhóm chuột bình thường thì tăng nhiều hơn. Điều này chứng tỏ sự biến đổi của AMPc huyết tương sau châm cứu với thần kinh giao cảm và công năng của tủy thượng thận có mối quan hệ với nhau. Điện châm có thể kích hoạt thần kinh giao cảm và tủy thượng thận làm phóng thích Catecholamine thông qua AMPc để điều tiết công năng sinh lý của cơ thể.
4 – Sự biến đổi của AMPc và GMPc huyết tương trong quá trình châm cứu chữa bệnh.
Hà Kim Sâm (1986) đã khảo sát mối quan hệ giữa hiệu quả trị liệu lâm sàng bệnh cường giáp bằng châm cứu và sự biến đổi của hàm lượng AMPc trong huyết thanh người bệnh, kết quả cho thấy trên 43 bệnh nhân sau điều trị, lượng AMPc và trị số AMPc/ GMPc đều hạ thấp rõ rệt, lượng GMPc tăng cao. Những ca hiệu quả trị liệu tốt thì sự biến đổi này rõ nét hơn những ca hiệu quả trị liệu thấp.
Mã Kiến Quốc (1983) đã quan sát sự biến đổi của AMPc và GMPc ở bệnh nhân hen phế quản trước và ngay sau khi châm cứu và sau 2 tuần điều trị, kết quả cho thấy hàm lượng AMPc huyết tương và trị số AMPc/ GMPc sau châm đều tăng hơn so với trước khi châm, nhưng hàm lượng GMPc biến đổi không rõ rệt. Sau 2 tuần châm cứu, lượng AMPc và trị số AMPc/ GMPc cũng vẫn tăng so với trước và lượng GMPc thì giảm thấp rõ rệt. Kết quả xử lý thống kê cho thấy, sự biến đổi của AMPc và AMPc/ GMPc huyết tương và mức độ ổn định của bệnh có quan hệ tương quan rõ nét. Hàm lượng AMPc và trị số AMPc/ GMPc huyết tương ở người hen phế quản thấp hơn so với người bình thường, còn hàm lượng GMPc thì cao hơn. Nhưng sau khi trị liệu bằng châm thường, cứu hóa mủ, cứu cách gừng hoặc dán thuốc vào huyệt, thuận theo mức độ thuyên giảm của bệnh hàm lượng AMPc và trị số AMPc/ GMPc tăng cao, thậm chí có thể trở về bình thường.
Ngoài ra, có tác giả nhận thấy, khi châm huyệt Ngư tế ở chuột lang gây hen phế quản bằng mô hình thực nghiệm thì lượng AMPc ở phổi và trị số AMPc/ GMPc tăng cao hơn so với nhóm đối chứng và nhóm châm không đúng huyệt, nhưng nếu dùng Novocaine phong bế vùng huyệt rồi mới châm thì các trị số này không có sự biến đổi rõ rệt. Điều đó cho thấy, ảnh hưởng của châm huyệt Ngư tế đối với công năng phổi ở chuột lang là thông qua cả hai con đường thần kinh và thể dịch.
5 – Quan hệ giữa hàm lượng AMPc và GMPc huyết tương với thủ thuật bổ tả trong châm cứu
Bùi Diên Phụ (1992) nhận thấy, khi châm huyệt Bách hội trên thỏ khoẻ mạnh thì hàm lượng AMPc giảm, GMPc tăng, trị số AMPc/ GMPc cũng giảm. Nếu châm trên thỏ đang trong trạng thái hoảng sợ thì hàm lượng AMPc và GMPc huyết tương đang ở mức rất cao có thể hạ thấp xuống trị số bình thường, trình độ biến đổi là không giống nhau tuỳ theo việc dùng bổ pháp hay tả pháp, tả pháp gây biến đổi nhiều hơn bổ pháp. Nghiên cứu trên đối tượng học sinh trong trạng thái bình thường và trạng thái căng thẳng do thi cử cũng thu được kết quả tương tự.
Trên những bệnh nhân có hội chứng dương hư, hàm lượng AMPc và GMPc huyết tương đều cao, nhưng GMPc cao hơn nên trị số AMPc/ GMPc thấp. Khi châm bổ huyệt Bách hội thì AMPc có xu hướng hạ về trị số bình thường, châm tả thì tăng lên, châm bổ hoặc châm tả thì GMPc đều hạ về trị số bình thường, vì vậy trị số AMPc/ GMPc có xu hướng tăng cao. ở những bệnh nhân có hội chứng âm hư, hàm lượng GMPc cao, AMPc và trị số AMPc/ GMPc thấp. Khi châm tả hoặc bổ huyệt Bách hội thì AMPc đều tăng và GMPc đều giảm, nhưng châm bổ có hiệu lực mạnh hơn và trị số AMPc/ GMPc cũng tăng lên rõ rệt. Như vậy, thủ pháp bổ tả trong châm cứu có ảnh hưởng rất rõ tới sự biến đổi của hàm lượng AMPc và GMPc huyết tương.
Tăng Hồng (1988) đã khảo sát ảnh hưởng của thời châm cứu huyệt Hoàn khiêu trên chuột tới hàm lượng AMPc và GMPc trong huyết tương, kết quả cho thấy: điện châm vào thời điểm 5,11,17 và 23 giờ có thể làm AMPc tăng cao, các thời điểm khác không thấy có sự biến đổi rõ rệt ; điện châm vào 5,17 và 23 giờ thì GMPc tăng cao, nhưng vào thời điểm 11 giờ thì không biến đổi. Điều đó chứng tỏ thời châm pháp cũng có ảnh hưởng không nhỏ tới sự biến đổi của hàm lượng AMPc và GMPc trong huyết thanh
Tóm lại, khi châm cứu giảm đau và châm tê, hàm lượng AMPc, GMPc và trị số AMPc/ GMPc trong não và huyết tương đều có sự biến đổi rõ rệt ; nếu thay đổi nồng độ các chất này trong não thì có thể cải biến hiệu ứng giảm đau của châm cứu. Hiệu quả trị liệu của châm cứu trong bệnh cường giáp, hen phế quản… và sự biến đổi của AMPc, GMPc huyết tương có mối quan hệ tương quan nhất định. Thủ pháp bổ tả có ảnh hưởng tới hàm lượng AMPc và GMPc trong huyết tương. Vì hàm lượng các Cyclic nucleoside phosphate trong huyết tương và tổ chức chịu ảnh hưởng của nhiều loại hormone và các chất có hoạt tính sinh học nên hiệu ứng sinh lý của chúng hết sức phức tạp, cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu để xác định chính xác tác dụng của chúng trong quá trình châm cứu.
Nguồn Benhvien108.vn
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !