(ĐTĐ) – Giống như chiếc xe “trùm mền” thì nhanh hỏng, mà chạy nhiều quá cũng dễ hư; muốn khớp hoạt động trơn và tốt cần phải vận động thường xuyên”, bác sĩ Tăng Hà Nam Anh khuyên trong tư vấn trực tuyến về đau cơ và khớp, chiều 8/12 (2010) trên VnExpress.
– Thưa bác sĩ, em còn rất trẻ nhưng đã bị bệnh xương khớp từ năm lớp 12. Em bị thoát vị đĩa đệm L4-L5 6 năm rùi nhưng mới chữa cách đây 2 năm. Em điều trị một tháng ở bệnh viện theo phương pháp y học cổ truyền là bấm huyệt và nghỉ ở nhà không đi làm thêm một tháng. Sau thời gian đó em không bị đau nữa. Nhưng cứ mùa đông về là em lại đau nhức. Các khớp xương của em đau ê ẩm rã rời. Các bác sĩ thường nói với em rằng sau này việc lấy chồng và sinh con rất vất vả. Em phải làm sao? (Vũ Tuyết, 25 tuổi, Hà Nội)
– Chào bạn, theo như bạn mô tả, bạn đang bị thoát vị đĩa đệm nhưng có vẻ không nặng lắm. Thêm nữa, bạn đang có tình trạng đau nhức xương khớp theo thời tiết, nghĩa là, trời lạnh thì lại đau. Theo tôi, bạn không có gì phải lo lắng vì nếu thoát vị đĩa đệm chưa nặng thì vẫn có thể điều trị bằng vật lý trị liệu và luyện tập thể thao. Nếu trong trường hợp thoát vị đĩa đệm nặng, có chèn ép thần kinh, các bác sĩ sẽ mổ lấy đi nhân đĩa đệm và giải quyết tình trạng đau cho bạn. Về phần đau nhức xương khớp khi trời lạnh, bạn chỉ cần giữ ấm và có thể dùng thêm thuốc là giải quyết được vấn đề. Đôi khi việc lấy chồng và sinh con có thể giúp bạn cải thiện tình trạng đau nhức xương khớp mà đến giờ này khoa học vẫn chưa lý giải được nguyên nhân.
– Tôi 43 tuổi làm việc văn phòng, có biểu hiện đau vùng vai gáy và thoái hóa đốt sống cổ, cùng lưng (có chụp XQ). Tôi đi khám Đông y, BS nói tôi còn bị viêm khớp xương chậu và tôi đã được trị liệu kết hợp châm cứu 7 ngày. Do điều kiện công việc nên tôi không thể tiếp tục theo trị liệu châm cứu được nữa. Xin BS cho biết các biến chứng của bệnh này và cách điều trị. (Trần Thu, 43 tuổi, Đà Nẵng).
– Chào bạn!
Chúng tôi hơi bối rối một chút vì bạn nói bạn đau vai gáy và thoái hóa cột sống cổ nhưng lại được chẩn đoán viêm khớp xương chậu là phần cột sống thấp. Vấn đề đau vai gáy và thoái hóa cột sống cổ vẫn có thể giải quyết được bằng việc tập thể dục, tránh các tư thế gây đau, mỏi vai và cổ như: không ngồi quá lâu trước màn hình vi tính, cúi cổ quá nhiều để đọc sách. Ngoài ra bạn có thể tập bơi ngửa để giải quyết tình trạng mỏi vai gáy.
Còn về vấn đề viêm khớp xương chậu, có rất nhiều nguyên nhân. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để xác định rõ nguyên nhân ở đây là gì để có phương pháp điều trị thích hợp. Trong trường hợp nếu bạn bị viêm khớp xương chậu (mà chúng tôi hiểu ở đây là khớp cùng chậu) thì sẽ không để lại biến chứng gì nặng ngoài cảm giác đau do ngồi lâu và đi lại nhiều.
Bác sĩ Tăng Hà Nam Anh, Trưởng khoa chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nguyễn Tri Phương tại buổi tư vấn trực tuyến về đau cơ và khớp, ở tòa soạn VnExpress.net chiều 8/12 |
– Cột sống của em bị cong hình chữ C (bẩm sinh) khoảng 15 độ, làm cho nửa phần lưng bên phải cao hơn một chút so với nửa lưng bên trái. Thỉnh thoảng cúi lên cúi xuống nghe thấy tiếng khớp kêu rắc rắc nhưng không đau nhức. Liệu tình trạng này có thể chữa khỏi bằng vật lý trị liệu được không ạ? Nếu để nguyên như vậy thì có ảnh hưởng gì đến việc sinh con sau này không ạ? Xin cảm ơn các bác sĩ. (Lê Anh Nhi, 25 tuổi, Nguyễn Xí, P. 13, Q. Bình Thạnh)
– Theo mô tả thì bạn bị vẹo cột sống sang bên phải khiến cho phần vai bên phải cao hơn bên trái. Bạn mới 25 tuổi nghĩa là còn khả năng phát triển một phần. Do vậy, tình trạng vẹo cột sống này có thể vẫn còn tiếp diễn. Nếu như được điều trị sớm và ngăn chặn tình trạng vẹo cột sống thì sẽ không ảnh hưởng gì đến việc sinh con của bạn sau này. Để đạt được điều này, bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa cột sống để được điều trị mang nẹp vào ban đêm. Bạn có thể chơi các môn thể thao như: hít xà đơn, bơi lội. Nếu trong trường hợp cột sống còn tiếp tục vẹo, các bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định phẫu thuật. Vật lý trị liệu đơn thuần sẽ không thể giải quyết vấn đề của bạn mà cần phải kết hợp nhiều biện pháp khác nhau.
– Tôi thường xuyên bị đau nhức và mỏi cổ. Trước đây là vùng thắt lưng, sau đó di chuyển lên phần trên lưng, rồi đến vai, giờ lên đến cổ và vùng cổ ở phía sau, 2 bên sát xương cằm. Triệu chứng đau lưng xuất hiện cũng đã khá lâu, cả năm nay rồi. Tôi làm việc văn phòng, mỗi lần mỏi cổ, tôi thường làm vài động tác thể dục xoay cổ. Tôi hay ngủ sấp. Tôi phải làm gì? (Thạch Lan Hương, 36 tuổi, Nha Trang)
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
– Theo như bạn mô tả thì tôi nghĩ bạn nằm trong nhóm bệnh lý của những người làm văn phòng, nghĩa là ngồi suốt ngày và mắt dán vào màn hình vi tính, lưng hơi cong (vì đây là tư thế dễ chịu khi mới bắt đầu ngồi). Tuy nhiên khi bạn ngồi lâu, toàn bộ các cơ cột sống từ cổ đến thắt lưng bị căng quá mức gây ra tình trạng đau và mỏi.
Để điều trị nhóm bệnh này không khó, song nhiều người điều trị hoài vẫn không hết vì lý do vẫn phải tiếp tục ngồi suốt ngày ở máy vi tính, không có thời gian để chơi thể thao hay tập vật lý trị liệu. Cách đơn giản nhất mỗi khi ngồi trước máy vi tính chừng nửa tiếng, bạn nên chịu khó tập vận động 5 phút cho nhóm cơ vùng cổ, lưng, vai sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu ngay. Một bằng chứng hết sức hiển nhiên là ngày thứ Bảy, Chủ Nhật được nghỉ làm ở nhà thì bạn sẽ cảm thấy cuộc đời tươi đẹp và không đau đớn gì cả, nhưng cứ từ thứ Hai đầu tuần là cơn đau lại xuất hiện.
Bạn đang ở Nha Trang nên tôi nghĩ đi bơi là biện pháp tốt nhất giúp bạn thoát khỏi cơn đau mà không làm gì lớn lao hơn. Còn việc ngủ sấp hay ngủ ngửa cũng không ảnh hưởng gì, nhưng nếu ngủ ngửa thì nên kê gối dưới vai và cổ thay vì chỉ kê trên đầu khiến khớp cổ bị mất đi đường cong sinh lý.
– Tôi bị viêm khớp dạng thấp, đi lại khó khăn, các khớp gối, tay cứng, khó cử động. Hiện tôi điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Chợ Rẫy, uống thuốc liên tục 5 tháng nay. Xin hỏi, bệnh của tôi phải uống thuốc suốt đời hay trong thời gian nữa sẽ hết bệnh. Tôi cần kiêng ăn uống những thức ăn gì? (Lê Thị Phương, 60 tuổi, Thị xã Tây Ninh)
– Bạn thân mến, viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý mạn tính có yếu tố gen. Do vậy, việc điều trị khỏi hẳn bệnh này là điều gần như không thể. Tuy nhiên, hiện tại có nhiều biện pháp điều trị giúp bệnh nhân giảm cơn đau phòng chống các biến chứng trên khớp. Đặc biệt, các loại thuốc điều trị sinh học mới được phát minh và áp dụng đã giải phóng cơn đau cho các bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp.
Những trường hợp viêm khớp dạng thấp nhẹ chưa có biến chứng, có thể kiểm soát được với các thuốc kháng viêm giảm đau không steroide hoặc corticoide tuy nhiên biến chứng đáng ngại của các thuốc này là gây ra tình trạng loét dạ dày, tá tràng hay hội chứng Cushing. Có thể dùng phẫu thuật nội soi để rửa và cắt màng bao khớp. Nếu nặng hơn không kiểm soát được có thể dùng các thuốc điều trị sinh học nhưng điều khó khăn là giá thuốc quá cao so với mức thu nhập của người Việt Nam, khoảng 65 triệu đồng một năm. Bạn không cần phải kiêng ăn uống gì vì bệnh này không liên quan đến thức ăn.
– Thưa Bác sĩ, mẹ em năm nay 57 tuổi, hai chân của mẹ em bị sưng khớp đầu gối, và cổ chân, củ khoai chân. Nếu đi lại nhiều thì những chỗ này sưng to lên không đi lại được. Mình lấy ngón tay ấn vào chỗ sưng thì nó lõm xuống một lúc sau mới nổi lên. Xin hỏi bác sĩ mẹ em bị bệnh gì, có chữa khỏi được không, và chữa như thế nào. Tiền sử mẹ em bị viêm cầu thận mãn. (Nguyễn Thị Hương, 32 tuổi, QL 1A Bình Trị Đông B, Bình Tân, TP HCM)
– Theo bạn mô tả thì mẹ của bạn có thể bị tình trạng suy thận mãn gây ra phù hai chân (tức là triệu chứng khi bạn lấy ngón tay ấn vào chỗ sưng thì nó lõm xuống một lúc sau mới nổi lên). Ngoài ra mẹ bạn có thể bị thoái hóa vùng khớp gối và khớp cổ chân khiến cho việc đi lại đau và đôi khi bị tràn dịch – tức là sưng khớp gối hoặc sưng khớp cổ chân.
Bạn nên đưa mẹ đến bác sĩ để khám. Tùy thuộc vào kết quả chẩn đoán bệnh lý của mẹ bạn là gì mà các bác sĩ sẽ có biện pháp điều trị thích hợp. Ví dụ suy thận mãn có thể được điều trị bằng chạy thận nhân tạo hay ghép thận, thoái hóa khớp có thể điều trị bằng thuốc giảm đau, thuốc tạo chất nhờn và các chế phẩm bảo vệ sụn khớp. Nếu không bớt có thể dùng phương pháp nội soi, cắt lọc khớp… Và biện pháp cuối cùng là thay khớp nếu tất cả các biện pháp trên không hiệu quả.
Originally posted 2010-12-09 01:45:51.
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !