(ĐTĐ) – Bệnh viện Việt Đức đã nghiên cứu phương pháp chữa trị mới từ Mỹ – kỹ thuật thay nhân nhầy cho bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm, dự tính trong tháng 4 này sẽ bắt đầu triển khai chữa trị.
Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn phương pháp mới này, GĐ&XH đã có cuộc phỏng vấn TS.BS Nguyễn Văn Thạch, Trưởng Khoa Phẫu thuật cột sống, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức.
Điều trị nhanh hơn
Được biết, trong tháng 4 này, Bệnh viện Việt Đức bắt đầu triển khai phương pháp chữa trị bệnh thoát vị đĩa đệm mới bằng kỹ thuật thay nhân nhầy cho bệnh nhân. Bác sĩ có thể giới thiệu đôi nét về kỹ thuật chữa trị này cũng như tính ưu việt của nó?
– Nhân nhầy đĩa đệm cột sống thắt lưng có cấu tạo dạng gel với chức năng hấp thụ lực nén lên cột sống đoạn thắt lưng, duy trì chiều cao thân đốt sống cũng như tăng hấp thu nước vào đĩa đệm. Bắt đầu nghiên cứu ứng dụng từ những năm 1960, đến năm 1966, thế hệ nhân nhầy đĩa đệm nhân tạo đầu tiên ra đời, đến nay có khoảng 10 loại nhân nhầy đã được sản xuất và áp dụng trên lâm sàng. Đây là phẫu thuật ít gây tổn thương mô hơn thay đĩa đệm toàn bộ nhưng vẫn trả lại chức năng sinh lý cho cột sống.
TS.BS Nguyễn Văn Thạch: “Thay nhân nhầy là phẫu thuật ít gây tổn thương mô hơn thay đĩa đệm toàn bộ nhưng vẫn trả lại chức năng sinh lý cho cột sống”. Ảnh. L.Thanh
Việc thay nhân nhầy cho bệnh nhân thoát vị đĩa đệm được tiến hành vào thời kỳ nào của bệnh? Điều trị sớm hay muộn có ảnh hưởng như thế nào đến kết quả chữa trị thưa bác sĩ?
– Tốt nhất là nên tiến hành thay nhân nhầy đĩa đệm khi bệnh nhân mới có những biểu hiện bệnh. Việc điều trị sớm là rất quan trọng, không nên để bệnh nhân bị quá nặng mới tiến hành chữa trị, bởi khả năng phục hồi thường kém hơn. Đặc biệt, nếu bệnh nặng dẫn đến liệt toàn thân thì khi đó đã quá muộn để nghĩ tới việc chữa trị thoát vị đĩa đệm.
Mức độ thành công của phương pháp chữa trị này là bao nhiêu? Trên thế giới đã áp dụng kỹ thuật này chưa? Việc thay nhân nhầy có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm tới sức khoẻ của bệnh nhân không thưa bác sĩ?
– Trong một nghiên cứu đa quốc gia với 423 bệnh nhân từ năm 1996 của Peter M. Klana (người Mỹ) và cộng sự đăng trên tạp chí Spine (2002), tỷ lệ thành công chung là 91%. Về nguyên tắc, bất cứ vật thể lạ đưa vào cơ thể đều có nguy cơ gây dị ứng, tuy nhiên biến chứng được đề cập trong các nghiên cứu của nước ngoài là đau lưng tăng do thoái hoá của sụn tiếp, nhiễm trùng, nhân nhầy di lệch nhưng vẫn nằm trong bao xơ, không thấy báo cáo tử vong trong các nghiên cứu.
Giá thành để điều trị một ca thay nhân nhầy là bao nhiêu thưa bác sĩ?
– Vì chưa tiến hành chữa trị nên cho đến nay vẫn chưa thể chắc chắn là sẽ mất bao nhiêu chi phí. Tuy nhiên, việc chữa trị bằng phương pháp này giúp điều trị thoát vị đĩa đệm nhanh hơn, thời gian bình phục ngắn hơn và giá thành vì thế có thể sẽ rẻ hơn những phương pháp phẫu thuật khác.
Lối sống hiện đại làm tăng tỷ lệ bệnh.
Ngoài phương pháp chữa trị này, bệnh thoát vị đĩa đệm còn có thể được điều trị bằng phương pháp nào khác?
– Hiện nay tại Khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Việt Đức dường như đã có hầu hết các kỹ thuật chữa trị tiên tiến trên thế giới như mổ can thiệp ít xâm lấn, mổ với kính vi phẫu, mổ nội soi, điều trị thoát vị đĩa đệm bằng sóng radio…
Nhiều người đã tìm đến Đông y để chữa trị bệnh thoát vị đĩa đệm, xin bác sĩ cho biết, bệnh thoát vị đĩa đệm có chữa khỏi bằng Đông y không? Nếu không khỏi có làm kéo dài tình trạng bệnh, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm?
– Thường khi bệnh chưa có chỉ định mổ thì có thể điều trị nội khoa và phục hồi chức năng. Điều trị Đông y có phần nào đó tương đồng với phương pháp này. Nếu khi đã phải mổ, nên mổ trước rồi phối hợp với điều trị nội khoa sẽ tăng tỷ lệ thành công cũng như giảm nguy cơ nặng, biến chứng của bệnh.
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Xin bác sĩ cho biết nguyên nhân của bệnh thoát vị đĩa đệm cũng như cách phòng tránh để đối phó với căn bệnh này?
– Nguyên nhân chủ yếu do thoái hoá và chấn thương, trong đó lối sống hiện đại như ngồi nhiều trong văn phòng, hút thuốc lá, uống rượu… làm tăng tỷ lệ bệnh lý cột sống trong cộng đồng. Phòng bệnh tốt nhất là không hút thuốc, hạn chế rượu bia, duy trì cân nặng hợp lý, giảm stress, không nên ngồi lâu trong một tư thế, phòng ngừa giảm thiểu tai nạn giao thông. Và quan trọng hơn cả là hãy đến khám sớm, điều trị đúng khi có biểu hiện đau cột sống.
Xin cảm ơn bác sĩ!
Có thể tự phát hiện bệnh“Thoát vị đĩa đệm là dạng bệnh mà người bệnh có thể tự phát hiện qua những dấu hiệu bệnh lý sau: Lúc đầu thấy đau âm ỉ vùng thắt lưng hay cổ, sau đau tăng dần rồi lan xuống vai, hai tay hoặc xuống háng, rồi xuống hai chân và bàn chân. Tiếp tục thấy tê hai tay hoặc hai chân. Muộn hơn có thể thấy rối loạn vận động cảm giác phần dưới… Tốt nhất, khi phát hiện thấy đau tê lan xuống tay hoặc chân thì người bệnh nên đến khám ở các cơ sở y tế để phát hiện kịp thời, bởi điều trị ở giai đoạn sớm sẽ tốt hơn”. TS.BS Nguyễn Văn Thạch |
Theo giadinh.net.vn
Originally posted 2010-08-27 07:13:40.
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !