ĐTĐ – Mổ hở được xem là phương pháp cuối cùng để điều trị thoát vị đĩa đệm – một căn bệnh rất phổ biến. Tuy nhiên, phẫu thuật là sự đánh đổi giữa khả năng hết bệnh với việc chấp nhận những nguy cơ có thể xảy ra trong ca mổ và biến chứng sau đó.
Mục đích của phẫu thuật là lấy đi khối thoát vị để không gây chèn ép vào tủy hoặc rễ thần kinh. Nhằm giúp bệnh nhân không đau khi mổ, bác sĩ sẽ gây tê tại chỗ mổ hoặc gây tê tủy sống, gây mê. Rất ít bệnh nhân chịu nổi ca mổ chỉ có gây tê tại chỗ cho dù đây là phương pháp an toàn nhất. Với sự phổ biến của các loại thuốc mê thế hệ mới, gây mê hiện là phương pháp an toàn và tiện lợi ngang bằng, thậm chí còn hơn so với gây tê tủy sống.
Để đi đến được nơi có khối thoát vị, một phần cơ thể không bị bệnh sẽ phải bị cắt và banh ra. Đã có rất nhiều phương pháp, dụng cụ được phát minh nhằm hạn chế tối đa việc cắt đi những phần cơ thể không bị bệnh (các kỹ thuật ít xâm lấn). Trong mổ hở, vi phẫu thuật có độ xâm lấn ít nhất, tất nhiên cũng còn tùy thuộc vào người áp dụng.
Thời gian mổ cho một đĩa đệm thoát vị có thể kéo dài từ 30 phút đến 3-4 giờ đối với vùng thắt lưng và 45 phút đến 4-5 giờ đối với vùng cổ. Ca mổ nhanh hay chậm còn tùy vào khả năng từng bác sĩ, trang thiết bị của phòng mổ và mức độ khó khăn của từng ca. Thời gian mổ lâu hay mau không quan trọng bằng kết quả sau mổ. Tuy nhiên, nếu mổ lâu quá thì lượng thuốc mê bệnh nhân hít vào sẽ nhiều hơn và khả năng xảy ra biến chứng, đặc biệt là nhiễm trùng cũng cao hơn.
Xu hướng hiện nay là phải giúp bệnh nhân vận động sớm sau mổ nhằm tăng cường sự lưu thông máu, vết mổ mau lành hơn và người bệnh có thể tập phục hồi chức năng sớm. Vận động sớm cũng giúp tránh được việc các rễ thần kinh bị dính. Đây là một trong những biến chứng đáng sợ của mổ hở và sẽ gây đau sau này. Đa số bác sĩ chủ trương dùng thêm nẹp ngoài trong những ngày đầu sau mổ thoát vị đĩa đệm.
Phẫu thuật chỉ là một phần trong toàn bộ quá trình chữa bệnh. Bệnh nhân chớ vội tin rằng mình đã khỏe mạnh hoàn toàn khi thấy đã hết đau sau mổ. Tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng là một bước không thể thiếu. Thường thì 6 tháng sau mổ, người bệnh mới có thể bình phục hoàn toàn, nhưng sau 3-4 tuần đã có thể đi làm trở lại dù vẫn còn phải kiêng cữ và tiếp tục điều trị.
Ở Việt Nam hiện nay, mổ hở vẫn là phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm triệt để và có kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, các biến chứng của nó khiến các bác sĩ luôn phải cân nhắc khi nào nên mổ cho bệnh nhân. Biến chứng có thể chỉ là chảy một chút máu từ vết mổ hoặc nhiễm trùng, đau tăng lên sau mổ, thậm chí liệt hoặc tử vong. Sau một thời gian, các biến chứng muộn như viêm vùng mổ, tăng sinh mô xơ sợi, dính rễ thần kinh… có thể xuất hiện. Cũng may là tỷ lệ biến chứng sau mổ không cao lắm.
Khi bác sĩ quyết định mổ cho bệnh nhân có nghĩa đó là cách giải quyết hiệu quả nhất. Bệnh nhân và người thân cũng đừng ngạc nhiên khi bác sĩ này nói phải mổ, bác sĩ kia lại nói không, vì mỗi bác sĩ có quan điểm riêng cũng như những hiểu biết, kinh nghiệm khác nhau.
Theo Sức Khỏe & Đời Sống
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Originally posted 2010-08-18 12:48:22.
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !