(ĐTĐ) – Viêm khớp dạng thấp là bệnh hàng đầu trong các bệnh thấp khớp, thoái hóa khớp lại là bệnh thường gặp ở người lớn tuổi. Hai bệnh khác nhau nhưng cùng giống nhau là gây hậu quả nặng nề và khó điều trị. Đã có nhiều giải pháp trong chữa trị, nhưng 2 giải pháp mới có mặt tại nước ta ít nhiều mang lại hy vọng cải thiện sức khỏe cho bệnh nhân của 2 bệnh này
Nhìn anh Nguyễn Văn B., ngụ tại Bình Dương, nằm trên giường bệnh Bệnh viện (BV) Chấn thương Chỉnh hình TPHCM, nhiều người phải thương cảm, vì mới 54 tuổi nhưng trông anh như một ông già, thân hình còm nhom, gương mặt hốc hác, hai chân còn da bọc xương. Các bác sĩ cho biết anh bị viêm khớp dạng thấp (VKDT). Cách đây 5 năm, mỗi sáng anh thường thấy các khớp gối, cổ chân, cổ tay, ngón tay cứng lại, sau đó thì sưng, nóng, đỏ, đau. Do thiếu hiểu biết, anh không chữa trị đến nơi, đến chốn. Chỉ tới lúc không thể đi lại được, anh mới nhập viện.
VKDT kháng trị: Cắt bao hoạt dịch bằng phóng xạ
VKDT gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng nhiều nhất là tuổi 30-60, bệnh tuy ít khi trực tiếp làm chết người, nhưng khiến bệnh nhân gắn liền với đau đớn, bất lực, tật nguyền và mất việc làm. TS-BS Lê Anh Thư, Trưởng Khoa Nội Cơ-Xương-Khớp BV Chợ Rẫy, xếp VKDT là bệnh khớp nặng nhất và khó điều trị nhất. Đây là bệnh lý mãn tính, gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu, thường kéo dài 1-3 năm, bệnh nhân bị sưng, nóng, đỏ, đau khớp, hạn chế vận động do viêm màng hoạt dịch khớp. Giai đoạn sau, sụn khớp và đầu xương bị tổn thương, gây biến dạng khớp, dính khớp, mất khả năng vận động. Lúc này, bệnh nhân xanh xao, mệt mỏi, chán ăn, gầy sút…
Điều trị nội khoa hoặc dùng corticoid chích vào khớp có thể thất bại ở một số bệnh nhân VKDT (kháng trị), vì thế cần có những giải pháp khác. Để điều trị những bệnh nhân này, năm qua các bác sĩ BV Chợ Rẫy đã dùng một dược chất phóng xạ chích thẳng vào ổ khớp, để tiêu hủy bao hoạt dịch, giải quyết được nguồn gốc đau. TS Anh Thư cho biết đây là kỹ thuật điều trị VKDT hiện đại nhất, nhưng bất tiện là thuốc không thể mua ở thị trường, mà do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Thế giới cung cấp. Muốn áp dụng, đòi hỏi BV phải phát triển được ngành y học hạt nhân, chọn được bệnh nhân đáp ứng đủ tiêu chuẩn, có chuyên gia thành thạo kỹ thuật (chích thuốc ra ngoài khớp sẽ khiến cơ quan lân cận bị tiêu hủy!). Trong 7 ca đầu tiên được chữa trị bằng phương pháp này, sau 6 tháng theo dõi, 4 ca đạt kết quả rất tốt. Dự kiến BV sẽ làm thêm một số ca, nhưng TS Anh Thư nhấn mạnh, bệnh nhân phải kháng trị những phương pháp cũ mới được xếp vào điều trị!
Thoái hóa khớp gối: 63% đạt kết quả tốt nhờ hyaluronate
Bác sĩ Thái Thị Hồng Ánh, Trưởng Khoa Nội Cơ-Xương-Khớp BV Nguyễn Tri Phương, cho biết thoái hóa khớp (THK) là bệnh lý thường gặp trong các bệnh khớp, nữ gặp nhiều hơn nam, trong đó THK gối chiếm 27%-30%, với triệu chứng đau khớp gối, cứng khớp vào buổi sáng, có tiếng lạo xạo trong khớp. Bình thường, trong dịch khớp và mô khớp chứa hyaluronate có tác dụng bôi trơn, giảm xóc và bảo vệ khớp. Trong THK, số lượng và chất lượng hyaluronate giảm đi, khiến dịch khớp kém lỏng và giảm độ nhớt. Trước đây, việc sử dụng dài ngày các thuốc kháng viêm, giảm đau kéo dài có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ (loét, thủng, xuất huyết tiêu hóa…). Khi tàn phế, hoặc có nguy cơ tàn phế do THK, bệnh nhân phải được thay khớp.
Liệu pháp tiêm hyaluronate (hyasyn) trực tiếp vào khớp gối đã được áp dụng trên thế giới vào thập niên 90 thế kỷ qua, nhưng mới du nhập vào nước ta mới đây. Một nghiên cứu tại BV Nguyễn Tri Phương, do bác sĩ Thái Thị Hồng Ánh thực hiện, trên 30 bệnh nhân cho thấy 63% bệnh nhân đạt kết quả tốt hoặc rất tốt nhờ tiêm hyaluronate, 30% trung bình, 7% yếu. So với cách tiêm corticoid vào khớp gối trước đây, tiêm hyaluronate không gây nhiều tác dụng phụ (tổn thương sụn, ảnh hưởng đường huyết, phản ứng viêm tại chỗ…), nhưng hiệu quả tác dụng dài hơn. Nhưng bác sĩ Hồng Ánh cũng nhấn mạnh: Điều trị THK đòi hỏi một chiến lược toàn diện (giảm cân, tập luyện, dùng thuốc…), không thể chỉ dựa vào một giải pháp duy nhất. Mặt khác, tiêm hyaluronate chỉ áp dụng cho bệnh nhân bị THK gối từ trung bình đến nặng, không đáp ứng với điều trị thông thường…
Ức chế enzyme để THK không tiến triển
Trên tạp chí Nature số mới nhất, các nhà khoa học Úc và Mỹ cho biết hy vọng tìm được một cách để ngăn không cho THK tiến triển bằng cách ức chế enzyme aggrecanase, thành phần đóng vai trò chủ đạo trong tiến trình phá hủy sụn khớp, khiến khớp không còn tác dụng giảm xóc. TS Amanda Fosang, thành viên nhóm nghiên cứu Úc, nói: “Trước đây, người ta không biết được chính xác enzyme nào tham gia quá trình THK. Giờ đây, khi nhận mặt được chúng, việc điều trị sẽ dễ dàng hơn”. Trên chuột thí nghiệm, các nhà khoa học đã lấy đi ADN giúp sản xuất aggrecanase, kết quả là những con chuột này không bao giờ bị THK! Như thế, nếu bằng cách nào đó “triệt tiêu” được aggrecanase, người ta hy vọng sẽ khống chế được khớp thoái hóa.
Theo NLD
Originally posted 2010-08-21 07:31:10.
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !