(ĐTĐ) – Hiện nay, trong nhân dân có thói quen khi bị đau, bị thương nhẹ thường tự ý mua thuốc giảm đau dùng mà không có chỉ dẫn của bác sĩ đối với tình trạng bệnh tật của bản thân, điều này tưởng như đơn giản nhưng đôi lúc để lại những hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục.
Không nên dùng thuốc giảm đau tại chỗ khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Ảnh: M. Hoa
Ông V.Y, 45 tuổi, nhà ở huyện M Đrak, Đắc Lắc, vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng sốt, sưng nóng đỏ đau khớp gối trái nhiều. Ông cho biết mình có tiền sử viêm đa khớp. Hai tuần qua ông sốt ho khan, đau họng, sau đó tự hết không cần uống thuốc. Bốn ngày nay thì sốt lại và sưng đỏ nóng đau khớp gối trái, vì nghe lời mách bảo là mua thuốc bôi ngoài da không rõ tên, thuốc này bôi vào sẽ làm giảm sưng và đau. Ông bôi nhiều lần không bớt mà khớp gối lại còn sưng nhiều hơn.
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều thuốc dùng ngoài da có tác dụng giảm đau, chống viêm. Do đó, tùy vào bệnh cảnh cụ thể mà sử dụng thuốc sao cho hợp lý, an toàn. Các chế phẩm có chứa các tinh dầu như camphor, eugenol, menthol, tinh dầu quế, tinh dầu tràm… Hoạt chất có tính chất giảm đau kháng viêm như methyl salicylate, ketoprofene, diclofenac… được bào chế dưới dạng lạnh và nóng.
Dạng bào chế có tác dụng làm nóng như salonpas (dán hoặc gel), perkindon, deep heat, sungaz… thường được sử dụng trong các sang chấn như các va đập phần mềm sưng bầm, tụ huyết, bong gân, trật khớp, giãn dây chằng, co cơ và đau khớp cũng như đau mỏi mình mẩy… Tuyệt đối không được sử dụng dạng bào chế này trong viêm khớp có các triệu chứng nhiễm trùng như sưng, nóng, đỏ, vì khi đó các chế phẩm có chứa các tinh dầu nóng sẽ làm giãn mạch và khiến cho lượng máu đổ về chỗ viêm tăng lên, ứ trệ lại. Hậu quả là chỗ viêm càng sưng và phù nề hơn.
Dạng bào chế có tác dụng làm lạnh tại chỗ được sử dụng rộng rãi hơn. Đặc biệt là trong thể thao hoặc tại các vị trí đau có nhiễm trùng như các ổ khớp. Với những sang chấn dạng này khi sử dụng thuốc có tác dụng làm lạnh sẽ giảm đau rất nhanh do thuốc có tính chất giảm đau và kháng viêm mạnh (với dạng cao dán, các dạng cồn xoa bóp khác cũng được sử dụng rộng rãi).
Trên thực tế mọi người thường xem các sang chấn ngoài da là những bệnh vặt vãnh nên hay tự ý mua các loại thuốc ngoài da về sử dụng và đã gặp những tác dụng không mong muốn. Chẳng hạn với các sang chấn có vết trầy xước, những người bị viêm bao hoạt dịch ở ổ khớp có nhiễm khuẩn tuyệt đối không được sử dụng các loại thuốc có chứa tinh dầu nóng vì thuốc dễ làm tổn thương các lớp tế bào dưới da. Chính vì thế, khi sử dụng thuốc chữa bệnh, cho dù chỉ là ngoài da, người dân không nên tự ý mua và sử dụng thuốc khi chưa có sự thăm khám, chỉ định của thầy thuốc.
Theo suckhoedoisong.vn
Originally posted 2010-08-20 10:49:40.
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !