(ĐTĐ) – Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ vừa công bố, thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau (aspirin) có thể làm tăng nguy cơ bị thoái hóa điểm vàng.
Khoảng 19,3% người trưởng thành ở Mỹ sử dụng aspirin thường xuyên (2 lần/tuần) trong ít nhất 3 tháng. Ở Việt Nam hiện chưa có con số thống kê nào về điều này. Tuy nhiên, công việc áp lực và những mối quan hệ xã hội phức tạp kéo theo ngày càng nhiều những người lệ thuộc và lạm dụng thuốc giảm đau như một phần không thể thiếu của cuộc sống.
Thoái hóa điểm vàng (THĐV) là một rối loạn về mắt liên quan đến tuổi tác, thường được tìm thấy ở những người U50+. Khoảng 0,2% người từ 55 tới 64 tuổi bị THĐV và đối với những người trên 85 tuổi thì con số này tăng lên tới 13%. THĐV là nguyên nhân gây mất thị lực của người bệnh bằng cách ảnh hưởng trực tiếp đến điểm vàng – nơi kiểm soát tầm nhìn và độ sắc nét của các đối tượng, sự vật xung quanh. Người hút thuốc lá hoặc có tiền sử gia đình bị bệnh có nhiều nguy cơ bị THĐV hơn những người khác.
Những người bị nhẹ thường ít có triệu chứng. Những người bị nặng thường không thấy rõ đường, không thấy nhiều điểm ở giữa hay thị giác bị vặn vẹo, bóp méo. Thường những người mà cả hai mắt bị THĐV sẽ gặp nhiều khó khăn khi lái xe, đọc sách, nhận dạng khuôn mặt hay là tìm những vật nhỏ vì thị giác trung tâm của họ bị ảnh hưởng.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu, theo dõi sức khỏe mắt cho 4.926 đối tượng từ 43 – 86 tuổi có thâm niên dùng aspirin không dưới 10 năm trong khoảng thời gian 20 năm và nhận thấy những người này có nguy cơ bị THĐV cao hơn những người bình thường khác.
Có 512 trường hợp bị THĐV giai đoạn đầu và 117 trường hợp trong giai đoạn cuối. Tỷ lệ THĐV thời kỳ cuối đối với những người sử dụng aspirin thường xuyên trong 10 năm là 1,8%, so với chỉ 1% đối với những người không sử dụng. Trong những người bệnh bị THĐV giai đoạn cuối, số người lạm dụng aspirin có nguy cơ bị THĐV loại ướt cao hơn những người không dùng thuốc, 1,4% so với 0,6%. THĐV loại ướt mặc dù chỉ chiếm 10% tổng số bệnh THĐV nhưng nó làm cho 90% người bệnh bị mờ mắt nặng.
Nguồn Phapluatxahoi.vn
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !