(ĐTĐ) – Vitamin D là viên uống bổ sung khi lượng vitamin D bị thiếu hụt trong cơ thể. Sự bù trừ này sẽ làm tăng hấp thu canxi từ ruột và tránh được còi xương, loãng xương. Tuy nhiên, khi đang dùng thuốc điều trị bệnh cần cân nhắc và có sự lựa chọn thuốc khi buộc phải bổ sung vitamin D vì có nhiều loại thuốc làm giảm tác dụng của vitamin D.
Các thuốc chống lao
Thuốc chống lao thường được sử dụng theo hai phác đồ cơ bản là phác đồ tấn công và phác đồ duy trì. Trong hai phác đồ này, có hai thuốc thường gặp là rifampin và isoniazid.
Nếu bạn là người đang phải bổ sung bắt buộc vitamin D vì lý do sức khỏe hệ xương thì hãy thận trọng với hai thuốc chống lao trên. Vì cả rifampin và isoniazid đều có tác hại là làm giảm hiệu lực của vitamin D.
Khi dùng chung rifampin với vitamin D, người ta đo thấy nồng độ canxi hấp thu từ ruột bị giảm xuống. Định lượng vitamin D trong máu cho thấy nồng độ vitamin D có hoạt tính trong máu cũng bị giảm. Đồng thời đo đạc thấy nồng độ canxi bị hạ thấp và nồng độ hormon cận giáp trạng tăng lên.
Lý giải hiện tượng này người ta cho rằng rifampin đã kích thích gan chuyển hóa vitamin D thành một dạng chất hóa học trung gian không có hoạt tính. Lẽ ra khi vitamin D được hấp thu vào cơ thể thì nó cần tồn tại trong máu một thời gian nhất định để tác dụng trước khi bị chuyển hóa và thải trừ. Nhưng hai thuốc chống lao ở trên đã làm tăng tốc độ chuyển hóa của vitamin D và làm giảm tác dụng điều trị của viên uống bổ sung này.
Khi đang điều trị vitamin D như một liệu pháp chủ yếu thì chúng ta có thể xem xét thay đổi phác đồ điều trị lao vì có nhiều thuốc khác thay thế hai thuốc trên. Nếu không có sự lựa chọn khác, cần báo cho bác sĩ điều trị biết việc tăng liều vitamin D theo chỉ dẫn là điều cần thiết.
Thuốc an thần
Barbiturate là thuốc tác động trên thần kinh trung ương có phổ hoạt tính rộng. Trên thần kinh trung ương chúng thể hiện nhiều tác dụng khác nhau dựa trên cùng một cơ chế là ức chế thần kinh. Tác dụng của thuốc từ nhẹ đến mạnh bao gồm: an thần, giải lo, chống co giật, gây ngủ và gây mê. Thuốc được dùng trong gây mê và chống co giật do động kinh hay do sốt cao ở trẻ.
Tuy nhiên, khi dùng chung các thuốc nhóm barbiturate với vitamin D có thể xảy ra hiện tượng phản ứng chéo làm giảm tác dụng của vitamin D. Đo đạc và định lượng nồng độ canxi trong máu ở bệnh nhân dùng barbiturate, người ta thấy nồng độ canxi bị giảm xuống. Nồng độ canxi ở những người dùng barbiturate là 2,15mmol/lít, trong khi đó ở người bình thường hay người sử dụng thuốc khác thì nồng độ này là 2,25mmol/lít. Rõ ràng là nồng độ canxi trong máu của người sử dụng barbiturate đã bị hạ thấp.
Mặt khác, người ta không thấy có sự tương tác giữa barbiturate và canxi trong ruột. Điều này chỉ có thể giải thích được là do các barbiturate làm tăng chuyển hóa vitamin D và làm giảm nồng độ của loại vitamin này trong máu.
Khi thuốc tác động tiêu cực lên chuyển hóa vitamin D, thuốc sẽ làm vitamin D sớm bị mất hoạt tính. Do đó tác dụng kích thích tăng hấp thu canxi từ ruột của vitamin D giảm xuống. Điều này dẫn đến giảm nồng độ canxi trong máu.
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Nếu bạn đang là người bị loãng xương hoặc con bạn đang bị còi xương, thì một liệu pháp nên dùng nhất là thay đổi thuốc. Tránh dùng barbiturate, vừa không làm thay đổi hoạt tính của vitamin D lại không làm thay đổi chiến lược điều trị. Nếu sự thay đổi thuốc không thể thực hiện được, khuyên bạn nên báo cho bác sĩ để có thể tăng liều canxi sử dụng và liều lượng viên uống bổ sung vitamin D.
Cùng chung một cơ chế “gây hại” với các thuốc barbiturate là thuốc chống động kinh như phenytoin. Lời khuyên trong trường hợp này là phải tăng liều vitamin D hơn so với thông thường.
Thuốc khử muối mật
Cholestyramine là thuốc khử muối mật điển hình. Thuốc có tác dụng khử ion, tách ion kim loại ra khỏi công thức cấu tạo của muối mật làm cho muối mật không được tái hấp thu và chống được hiện tượng nhiễm độc muối mật trong bệnh gan. Thuốc cũng được dùng để điều trị chứng cholesterol máu cao vì khi muối mật không được hấp thu, cholesterol sẽ bị chuyển hóa thành muối mật và do đó mà lượng cholesterol trong gan giảm xuống tạo hiệu ứng làm giảm cholesterol máu.
Thế nhưng tác dụng chính này lại làm giảm hấp thu vitamin D và do đó làm giảm hiệu lực điều trị của viên uống bổ sung vitamin này. Cơ chế là do vitamin D là một vitamin tan trong dầu. Nó cần có chất béo, muối mật để hòa tan và tái hấp thu. Nhưng khi có mặt cholestyramine, thuốc làm biến tính muối mật, do đó mà chất béo không có chất vận chuyển hòa tan. Đa phần chất béo không được tái hấp thu và đương nhiên uống bao nhiêu vitamin D sẽ bị thải loại ra ngoài bấy nhiêu.
Giải pháp duy nhất trong trường hợp này là hãy dùng thuốc khác làm giảm tổng hợp cholesterol để không làm thay đổi sự hấp thụ vitamin D. Nếu như việc dùng cholestyramine là bắt buộc, ví dụ như trong trường hợp ngứa da quá mức do nhiễm độc axit mật thì chúng ta buộc phải tăng liều vitamin D. Mặc dù hiệu ứng bù trừ không đáng là bao.
Thuốc nhuận tràng
Thuốc nhuận tràng có nhiều loại, nhưng chúng đều có chung một cơ chế là làm tăng vận động của ruột để tống đẩy bã xơ ra nhanh khỏi đường tiêu hóa. Đồng thời chúng cũng làm giảm hấp thu nước từ ruột nhằm làm mềm phân chống táo bón.
Nhưng chính do tác dụng chính này đã làm thay đổi sự hấp thu của vitamin D. Người ta đều công nhận thuốc nhuận tràng làm tăng tốc độ lưu chuyển của thức ăn trong ruột, kéo theo đó là tăng tốc độ lưu chuyển của vitamin D trong ruột. Tốc độ lưu thông vitamin D quá nhanh khiến cơ thể không kịp hấp thu. Nồng độ vitamin D giảm xuống.
Lời khuyên ở đây là tránh dùng thuốc nhuận tràng trong thời gian bổ sung vitamin D. Chỉ nên dùng liệu pháp dinh dưỡng để làm nhuận tràng thay vì dùng thuốc. Công dụng nhuận tràng vẫn có thể đạt được mà hiệu dụng của vitamin D với cơ thể lại không bị suy giảm.
Nguồn Suckhoedoisong.vn
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !