(ĐTĐ) – Các thuốc như canxi, biphosphonat, vitamin D hay calcitonin được sử dụng trong điều trị loãng xương, nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, các nhà khoa học đã có những cách nhìn mới trong việc sử dụng các thuốc này. Dưới đây là những thông tin được chính thức đề cập tại hội nghị thường niên của Hội Nghiên cứu về xương và khoáng chất (Mỹ) tại San Diego, California vừa diễn ra.
Vấn đề dùng canxi
Quan niệm trước đây cho rằng, người già do khả năng hấp thu giảm, lại ít ra nắng nên thiếu vitamin D và dẫn đến thiếu canxi. Việc bổ sung canxi là cần thiết để tạo nguồn nguyên liệu cho quá trình tạo xương nhằm tăng mật độ chất khoáng cho xương (BMD), chống gãy xương. Thế nhưng, nghiên cứu mới đây đã làm thay đổi quan niệm này.
Nghiên cứu WHI ( Women Health Intitative ) tại Mỹ trên 36.000 người mãn kinh (50 – 70 tuổi) cho thấy, dùng 1.000mg canxi và 400IU vitamin D/ngày có làm tăng BMD chút ít so với nhóm chứng, nhưng không giảm được nguy cơ gãy xương. Các nhà nghiên cứu Australia phân tích lại các nghiên cứu WHI cũng thống nhất với kết luận này, đồng thời cho biết thêm, việc dùng canxi làm tăng 31% nguy cơ nhồi máu cơ tim (số liệu từ 5 nghiên cứu trên 8.000 người), tăng 27% nhồi máu cơ tim (số liệu từ 11 nghiên cứu trên 12.000 người).
Theo đó, Hội Nghiên cứu về xương và khoáng chất (Mỹ) kết luận: Dùng canxi trong điều trị loãng xương không có lợi mà còn nguy hại. Vì thế theo WHO, muốn phòng loãng xương cần cung cấp đủ nhu cầu canxi ngay từ khi còn trẻ mà không đợi đến lúc già. Không nên dùng canxi trong điều trị loãng xương, đặc biệt là loãng xương do tuổi già.
Đã có những thay đổi trong sử dụng các thuốc điều trị loãng xương.
Về biphosphonat
Các nghiên cứu trước đây cho biết, dùng biphosphonat làm tăng BMD so với nhóm chứng (dù không phải tất cả các kết quả nghiên cứu đều thống nhất). Mặt khác, lúc đó chưa ghi nhận được tác dụng phụ của biphosphonat với xương nên trong điều trị loãng xương đã cho dùng phổ biến thuốc này kéo dài 5-7 năm.
Các nghiên cứu mới đây lại cho rằng, biphosphonat ức chế không cho tế bào hủy xương hoạt động, ngăn sự hủy xương và có lợi cho người loãng xương. Tuy nhiên, chu kỳ hủy – tạo xương là chu kỳ sinh lý tự nhiên, nếu giữ lại quá lâu không cho tế bào hủy xương hoạt động thì xương sẽ già đi, ảnh hưởng không lợi đến chu kỳ sinh lý tự nhiên, làm trở ngại quá trình tạo xương dẫn đến tăng sự gãy xương. Có nhiều nghiên cứu lâm sàng chứng tỏ điều này.
Ví dụ như, nghiên cứu ở Thụy Điển (2011) cho thấy, dùng biphosphonat làm tăng nguy cơ gãy xương đùi không điển hình khá cao (59 trường hợp trong số 1.271 trường hợp gãy xương ở vùng dưới mấu chuyển hoặc thân xương). Nguy cơ này tăng theo thời gian dùng (gấp 10 lần trong 2 năm đầu, gấp 50 lần khi dùng lâu hơn).
Trước đó, các nhà khoa học Ontarion (Canada) cũng theo dõi 716 nữ trên 68 tuổi bị gãy xương thấy đa phần là có dùng biphosphonat trên 5 năm. Một nghiên cứu có đối chứng khác thấy nhóm dùng biphosphonat trên 5 năm có nguy cơ gãy xương đùi cao gấp 2,74 lần so với nhóm chứng chỉ dùng trong 3 tháng. Một số bệnh án cũng ghi nhận, dùng zoledronat tiêm 1 năm một lần trong 3 năm làm tăng nguy cơ gãy xương.
Từ tháng 10/2010, FDA đã cảnh báo về nguy cơ dùng biphosphonat dài hạn gây gãy xương. Theo đó, Hội Nghiên cứu về xương và khoáng chất (Mỹ) khuyên, phải đo BMD chỉ khi thấy có rối loạn tế bào hủy xương mới dùng biphosphonat và không dùng kéo dài.
Hiện Mỹ và các nước châu Âu cũng đã thay đổi cách dùng thuốc này, tuy vẫn dùng biphosphonat trong điều trị loãng xương nhưng chỉ khi chắc chắn có sự tăng quá trình hủy xương, chỉ dùng trong từng đợt ngắn khoảng 6 tháng, xen kẽ giữa các đợt nghỉ biphosphonat có thể dùng các thuốc thay thế khác.
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Vitamin D
Trước đây cho dùng vitamin D nhằm hỗ trợ việc hấp thu canxi nên vitamin D chỉ dùng khi kết hợp với canxi (dùng vitamin D dạng hoạt tính có 3 nhóm chức OH tốt hơn vitamin D3 chỉ một nhóm OH).
Kết quả của những nghiên cứu mới đây cũng đã làm thay đổi cách dùng này. Nghiên cứu 210 người bị loãng xương sau mãn kinh, trong 18 tháng (đủ thời gian do BMD theo phương pháp DEXA) dùng vitamin D và biphosphonat với 3 nhóm dùng các dạng khác nhau (uống alandronat, residronsat; tiêm tĩnh mạch zoledronat). Kết quả cho thấy, chỉ có 47% đáp ứng tốt với việc dùng biphosphonat dài ngày.
Người có mức vitamin D cao đáp ứng với biphosphonat cao gấp 4,5 lần so với người có mức vitamin D thấp. Các nghiên cứu dược động học cũng thấy: quá trình chuyển vitamin D3 thành vitamin D dạng hoạt tính trên người khỏe mạnh diễn ra suôn sẻ; chỉ trên người suy thận mới có trở ngại.
Theo đó, Hội Nghiên cứu về xương và khoáng chất (Mỹ) kết luận: Trong loãng xương khi có dùng biphosphonat, thì việc dùng vitamin D là cần thiết nhưng nên giữ vitamin D ở mức thích hợp. Người bình thường chỉ cần dùng vitamin D3, chỉ người suy thận mới phải dùng vitamin D hoạt tính (calcitriol). Hiểu rõ vai trò của vitaminD trong điều trị loãng xương sẽ giúp thay đổi một số cách dùng thuốc thuận tiện và rẻ tiền hơn cho người bệnh.
Calcitonin
Quan niệm cũ cho dùng calcitonin tái tổ hợp có nguồn gốc từ người (hợp với sinh lý) sẽ tốt hơn loại chiết xuất từ cá hồi, dùng đường bơm mũi (hấp thu nhanh) tốt hơn đường uống. Thế nhưng các nghiên cứu gần đây lại cho biết, trong việc loại bỏ hấp thụ tế bào tạo xương, calcitonin có nguồn gốc từ cá hồi có độ mạnh gấp 30-50 lần loại có nguồn gốc từ người.
Dùng calcitonin cá hồi dạng uống trong 48 tuần có kết quả làm tăng BMD và khoáng chất ở vùng cột sống vùng thắt lưng tốt hơn dùng dạng bơm mũi và giả dược. Theo đó, Hội Nghiên cứu về xương và khoáng chất (Mỹ) kết luận, trong điều trị loãng xương nên dùng loại cacitonin tái tổ hợp có nguồn gốc từ cá hồi và dùng dạng uống.
Nguồn Suckhoedoisong.vn
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !