(ĐTĐ) – Glôcôm (hay còn gọi là thiên đầu thống) là bệnh khá phổ biến ở Việt Nam. Bệnh làm lõm, teo đầu dây thần kinh thị giác khiến người bệnh đau nhức và mất thị lực vĩnh viễn nếu không được điều trị.
Glôcôm với tổn thương đặc trưng của đầu dây thần kinh thị giác, thường gây ra do áp lực trong nhãn cầu (nhãn áp) tăng. Đây là căn bệnh khá phổ biến đồng thời cũng rất nguy hiểm, là nguyên nhân đứng hàng thứ ba gây mù lòa. Hiện nay, ở Việt Nam có khoảng 30.000 người mù do glôcôm. Bởi vậy, glôcôm đang là gánh nặng cho nhiều gia đình cũng như cho toàn xã hội.
Hiện vẫn còn không ít người chưa hiểu hoặc chỉ biết lơ mơ về bệnh, ngay nhiều bệnh nhân glôcôm cũng không biết về mức độ nguy hiểm của nó. Cơ chế sinh bệnh còn những điểm chưa rõ ràng nên khó phòng ngừa, chỉ có thể phòng tránh mù lòa do glôcôm bằng cách phát hiện sớm, điều trị kịp thời và phải theo dõi thường xuyên.
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)
Glôcôm là một nhóm bệnh có đặc điểm chung là nhãn áp tăng quá mức chịu đựng của mắt bình thường, lõm, teo đĩa thị thần kinh, tổn hại vùng nhìn và thường liên quan đến tình trạng nhãn áp cao. Ngoài yếu tố di truyền thì đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao là những người trên 35 tuổi, bệnh nhân có tiền sử dùng corticoid kéo dài.
Đã có nhiều người mắc bệnh nhập viện muộn, thị lực thấp dẫn đến nguy cơ mù lòa. Với bệnh nhân đến điều trị nhưng không tuân thủ đúng theo hướng dẫn và phác đồ điều trị rất dễ bị tái phát. Tỷ lệ mắc glôcôm tăng dần theo từng năm. Bệnh nguy hại ở chỗ, không có thuốc hay phẫu thuật nào có thể phục hồi tổn thương chức năng mắt, điều trị chỉ để ngăn chặn bệnh không tiếp tục gây tổn thương đầu dây thần kinh thị giác, tránh mù lòa. Glôcôm không bao giờ khỏi hẳn nên bệnh nhân cần được điều trị và theo dõi suốt đời theo quy trình chặt chẽ, khám định kỳ theo hẹn của bác sĩ nhãn khoa
Nguồn Vtv.vn
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !