Deprecated: Constant FILTER_SANITIZE_STRING is deprecated in /home/voqopxqs/new/wp-content/plugins/wpseo-news/classes/meta-box.php on line 59

Deprecated: Hàm Yoast\WP\SEO\Helpers\Request_Helper::is_rest_request hiện tại không dùng nữa từ phiên bản Yoast SEO 23.6! Sử dụng wp_is_serving_rest_request để thay thế. in /home/voqopxqs/new/wp-includes/functions.php on line 6085

Deprecated: Hàm Yoast\WP\SEO\Helpers\Request_Helper::is_rest_request hiện tại không dùng nữa từ phiên bản Yoast SEO 23.6! Sử dụng wp_is_serving_rest_request để thay thế. in /home/voqopxqs/new/wp-includes/functions.php on line 6085
Những hiểu biết cơ bản về đau - Điều Trị Đau Clinic
Viện điện tử

Những hiểu biết cơ bản về đau

(ĐTĐ) – Theo Hiệp hội nghiên cứu đau quốc tế (International Association for the Study of Pain – IASP): “Đau là cảm giác khó chịu và là trải nghiệm cảm xúc xuất hiện cùng với tổn thương mô thực sự hay tiềm tàng, hoặc được mô tả giống như có tổn thương”.
 

Như vậy đau có thể là một cảm giác báo hiệu một tổn thương đang tồn tại, lại vừa mang tính chủ quan tâm lý. Ở khía cạnh tích cực, cảm giác đau xuất hiện tại vị trí tổn thương là một tín hiệu có lợi nhằm báo cho cơ thể phản xạ đáp ứng lại để loại trừ tác nhân gây đau. Người ta ví cảm giác đau có ý nghĩa như “tiếng khóc của một đứa trẻ khi bị đói sữa” hay “tiếng kêu cứu, tín hiệu cấp cứu của một cơ quan bị tổn thương”. Tuy nhiên, cảm giác đau tự nó có thể gây ra các rối loạn tiếp theo và gây hại cho cơ thể nhiều hơn là có lợi.

Đau phụ thuộc những yếu tố gì ?

Do cảm giác đau mang tính chủ quan tâm lý, nên nó phụ thuộc nhiều vào các yếu tố cảm xúc, nhận thức và hành vi:

– Yếu tố cảm xúc có tác dụng trực tiếp lên cảm giác đau làm đau có thể tăng lên hay giảm đi. Nếu cảm xúc vui vẻ, thoải mái có thể làm đau giảm đi, ngược lại nếu cảm xúc khó chịu, bực dọc, buồn chán… có thể làm đau tăng thêm.

– Yếu tố nhận thức đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng lên quá trình tiếp nhận cảm giác nói chung và cảm giác đau nói riêng. Với mức độ tổn thương như nhau, thì những người có có sự hiểu biết, có nhận thức tích cực sẽ có biểu hiện đau ít hơn so với những người ít hiểu biết, hoặc có nhận thức tiêu cực.

– Yếu tố hành vi thái độ bao gồm toàn bộ những biểu hiện bằng lời nói và không bằng lời nói có thể quan sát được ở bệnh nhân đau như than phiền, điệu bộ, tư thế giảm đau, mất khả năng duy trì hành vi bình thường. Những biểu hiện này có thể xuất hiện như phản ứng với tình trạng đau cảm nhận được, chúng tạo nên những dấu hiệu phản ánh tầm quan trọng của vấn đề đau, và cũng đảm bảo chức năng giao tiếp với những người xung quanh. Những biểu hiện này phụ thuộc vào môi trường gia đình và văn hóa dân tộc, chuẩn mực xã hội, tuổi và giới của mỗi người.

Những hiểu biết cơ bản về đau

Có những kiểu đau như thế nào ?

Theo cơ chế, người ta phân loại đau thành 3 loại:

Gồm:       – Đau do cảm thụ thần kinh (nociceptive pain).

                – Đau do nguyên nhân thần kinh (neuropathic pain).

                – Đau do căn nguyên tâm lý (psychogenic pain).

-9%
Bán chạy

Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng

[Wonder MF508N] Máy vật lý trị liệu Wonder MF5-08N (New)

Giá gốc là: 3.600.000₫.Giá hiện tại là: 3.290.000₫.
10.990.000
Mua
-6%

Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới

[MPT8-12] Máy vật lý trị liệu đa năng MPT8-12

Giá gốc là: 3.700.000₫.Giá hiện tại là: 3.490.000₫.
Mua
BH 20 năm
Mua

Đau do cảm thụ thần kinh (nociceptive pain): là kiểu đau do tổn thương nào đó ở các cơ quan, nội tạng trong cơ thể, kích thích vào bộ phận nhận cảm đau tại đó rồi theo dây thần kinh truyền về não làm ta có cảm giác đau và giúp ta biết được cơ quan đó đang bị bệnh. Kiểu đau này thường gặp nhất trong phần lớn các chứng đau cấp tính (chấn thương, nhiễm trùng, thoái hóa, viêm tắc mạch máu cấp…), ở giai đoạn mạn tính, người ta nhận thấy cơ chế này có trong những bệnh lý tổn thương dai dẳng, ví dụ như trong các bệnh lý khớp mạn, hay trong ung thư. Đau do cảm thụ thần kinh thường thuyên giảm khi điều trị bằng các thuốc giảm đau thông thường.

Đau do nguyên nhân thần kinh (neuropathic pain): nếu như đau do cảm thụ thần kinh là đau do tổn thương xuất phát từ các cơ quan, thì đau do nguyên nhân thần kinh do những tổn thương ngay trên hệ thần kinh, có thể là ở các dây thần kinh ngoại vi hoặc ở thần kinh trung ương. Một số trường hợp đau thần kinh do bị chèn (như đau thần kinh tọa do thoái hoá cột sống, thoát vị đĩa đệm chèn vào). Một số trường hợp khác đau xảy ra do di chứng tổn thương hay cắt đoạn thần kinh ngoại vi (như trong hiện tượng chi ma do cụt chi, đau thần kinh sau zona, đau dây thần kinh số V…).

Đau do nguyên nhân thần kinh thường có biểu hiện là đau liên tục kiểu bỏng buốt, nóng rát, cường độ mạnh, đau nhói; đau cơn (kiểu điện giật); loạn cảm (như kiến bò, kim châm). Ngoài ra, bệnh nhân bị đau kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến các hoạt động hằng ngày, thay đổi về khẩu vị, rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng đến cảm xúc, giảm hoạt động tình dục, ảnh hưởng đến các mối quan hệ gia đình và xã hội, cuối cùng có thể dẫn đến trầm cảm.

Đau do căn nguyên tâm lý (psychogenic pain): có đặc điểm là những cảm giác đau ngoại vi hay nội tạng, có tính chất ám ảnh nhiều hơn là đau thực thụ, với sự mô tả phong phú, không rõ ràng hoặc luôn thay đổi và thường lan tỏa, triệu chứng không điển hình. Đau chỉ mất khi người bệnh tập trung chú ý một vấn đề gì đó, thuốc chống đau không có tác dụng với loại đau này. Thường gặp trong các trường hợp như: bệnh hysteri, bệnh rối loạn cảm xúc (trầm cảm), tự kỷ ám thị về bệnh tật, bệnh tâm thần phân liệt… Khi phát hiện ra những trường hợp đau do căn nguyên tâm lý, chúng ta cần gửi bệnh nhân đến với các thầy thuốc chuyên khoa tâm lý hay tâm thần để điều trị.

Theo thời gian và tính chất, đau được chia thành 2 loại: đau cấp tính và đau mạn tính.

Đau cấp tính (acute pain): là đau mới xuất hiện, có cường độ mạnh mẽ, có thể được coi là một dấu hiệu báo động hữu ích. Đau cấp giúp việc chẩn đoán cần thiết nhằm xác định chứng đau có nguồn gốc thực thể hay không.

Đau mạn tính (chronic pain): là chứng đau dai dẳng tái đi tái lại nhiều lần. Nó làm cho cơ thể bị phá hủy về thể lực và cả về tâm lý và xã hội. Bệnh nhân đau mạn tính thường đi điều trị nhiều nơi, với nhiều thầy thuốc và các phương pháp điều trị khác nhau nhưng cuối cùng chứng đau vẫn không khỏi hoặc không thuyên giảm. Điều đó làm cho bệnh nhân lo lắng và mất niềm tin và làm cho bệnh tình ngày càng trầm trọng hơn.

Theo quy ước cổ điển, người ta ấn định giới hạn phân cách đau cấp và mạn tính là giữa 3 và 6 tháng. Có thể so sánh đau cấp và đau mạn như sau:

  Đau cấp Đau mạn
Mục đích sinh học Có ích – Bảo vệ Vô ích – Phá hoại
Cơ chế gây đau Đơn yếu tố Đa yếu tố
Phản ứng của cơ thể Phản ứng lại Thích nghi dần
Yếu tố cảm xúc Lo lắng Trầm cảm
Hành vi thái độ Phản ứng Tìm hiểu
Mục đích điều trị Chữa khỏi Tái thích ứng

Đau được điều trị bằng những phương pháp nào ?

Điều trị đau bằng thuốc

Các thuốc giảm đau có tác dụng giảm đau nhanh, mạnh và kéo dài, tuy nhiên đa phần chúng đều có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm, bởi vậy khi dùng thuốc kéo dài cần giám sát chặt chẽ các tác dụng phụ này.

Thuốc giảm đau gây nghiện (còn gọi là opioid): có tác dụng giảm đau mạnh do tác động vào thần kinh trung ương. Ngoài tác dụng giảm đau, thuốc còn có tác dụng gây nghiện và nhiều rối loạn khác, do đó thuốc chỉ được dùng trong trường hợp đau nặng và cần được kiểm soát chặt chẽ.

Các thuốc trong nhóm này gồm: Morphin và các thuốc tương tự Morphin ; Codein (thường phối hợp với Paracetamol như Efferalgan codein).

Thuốc chống viêm corticoid (hay steroid): ngoài tác dụng chống viêm, thuốc còn có tác dụng chống dị ứng và ức chế miễn dịch. Do tác dụng giảm viêm và từ đó làm giảm đau nên thuốc có thể nhanh chóng làm giảm các triệu chứng. Thuốc được chỉ định điều trị trong rất nhiều bệnh, đặc biệt là các bệnh cơ xương khớp. Tuy nhiên các thuốc nhóm corticoid có thể gây nhiều tác dụng phụ nguy hiểm và tiềm tàng như: gây viêm loét dạ dày, gây loãng xương, làm tăng nặng bệnh tiểu đường, gây rối loạn chuyển hoá điện giải, làm tăng nặng bệnh tăng huyết áp, có thể gây suy tuyến thượng thận v.v… Do vậy, khi sử dụng thuốc corticoid, nhất thiết phải được bác sĩ chỉ định và theo dõi chặt chẽ.

Một số thuốc nhóm này như: Hydrocortisol, Dexamethasol, Betametasol, Prednisolon, Methyl-prednisolon, …

Thuốc giảm đau chống viêm không phải steroid (non-steroid): (tiếng anh là Non-Steroid Anti-Inflamation Drugs, viết tắt: NSAIDs) là những thuốc tác động vào cơ chế giảm đau ở ngoại biên. Cũng như các thuốc corticoid, các thuốc nhóm này có tác dụng chống viêm và giảm đau nhanh, làm giảm viêm và giảm đau nhanh chóng. Do vậy thuốc được dùng điều trị trong hầu hết các chứng đau. Các tác dụng không mong muốn của thuốc giảm đau chống viêm non-steroid tuy không nghiêm trọng bằng nhóm corticoid, nhưng cũng có nhiều tác dụng phụ đáng lưu ý. Trong số đó, tác dụng trên đường tiêu hóa là đáng ngại nhất. Do thuốc làm giảm sản xuất các chất bảo vệ niêm mạc dạ dày và làm tăng tiết a-xít dịch vị, nên chúng có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng ở đường tiêu hóa bao gồm viêm, loét thậm chí gây chảy máu dạ dày-hành tá tràng. Ngành hóa dược đã có rất nhiều cố gắng trong việc tạo ra các thế hệ thuốc giảm đau chống viêm mới (như chỉ ức chế chất gây viêm và đau mà ít/hoặc không ức chế chất bảo vệ dạ dày) làm hạn chế các tác dụng phụ trên đường tiêu hóa, tuy nhiên hiện nay vấn đề chưa được giải quyết triệt để. Ngoài tác dụng không mong muốn trên dạ dày, thuốc giảm đau chống viêm non-steroid còn có những tác dụng phụ khác trên gan, thận, máu. Vì vậy cũng như corticoid, khi sử dụng các thuốc này nhất thiết phải theo chỉ dẫn của thầy thuốc.

Một số thuốc tiêu biểu trong nhóm gồm: Paracetamol, Aspirin, Diclofenac, Ibuprofen, Celebrex…

Thuốc điều trị đặc hiệu: là những thuốc dùng để điều trị vào cơ chế gây bệnh, hoặc điều trị chuyên biệt đối với một bệnh nhất định mà cơ chế tác dụng chưa được biết rõ. Chẳng hạn các thuốc đặc hiệu trong bệnh viêm khớp dạng thấp có Metrothrexat, thuốc kháng thấp sinh học…; thuốc đặc hiệu trong bệnh gút có Colchicin, Allopurinol; thuốc đặc hiệu trong loãng xương có Can-xi, Vitamin D, Alendronate v.v…

Các thuốc hỗ trợ: tuy không trực tiếp tác dụng chống viêm giảm đau hoặc điều trị đặc hiệu nhưng các thuốc hỗ trợ đóng vai trò quan trọng, như thuốc giãn cơ (Myonal, Mydocalm); các vitamin (B1, B12); thuốc chống trầm cảm (Amitriptylin).

Điều trị đau bằng y học cổ truyền

Theo Y học cổ truyền (YHCT) đau là do khí huyết bị bế tắc gây nên (bất thông tất thống). Các chứng đau của YHCT rất rộng lớn, ở đây chỉ đề cập đến chứng đau ở bên ngoài cơ thể (phần biểu) gọi là “chứng tý”. “Chứng tý” là các chứng đau ở nhục, cốt, bì (như đau khớp, đau lưng, đau vai gáy, đau dây thần kinh tọa, đau nhức chân tay…) do kinh mạch bị bế tắc gây ra. Theo YHCT tý nghĩa là tắc, ngăn lấp không thông. Khí huyết bình thường lưu thông trong các kinh mạch đi nuôi dưỡng toàn thân, trong đó huyết sinh ra khí, còn khí thúc đẩy huyết. Nay vì một nguyên nhân nào đó gây bế tắc kinh mạch làm khí huyết không lưu thông được (khí trệ, huyết ứ) mà gây ra chứng tý. Do vậy các phép chữa của YHCT đều nhằm làm lưu thông kinh mạch (hành khí, hoạt huyết). Mặt khác, nguyên nhân gây ra chứng tý phần lớn đều do phong và thấp, vì vậy khi điều trị cần phải loại bỏ được các nguyên nhân này (khu phong, trừ thấp).

Theo sách Nội kinh, chứng tý được chia thành 5 loại:

+ Cân tý: các chứng co quắp chân tay.

+ Cốt tý: các chứng đau nhức xương, khớp.

+ Mạch tý: như bệnh viêm tắc động mạch, tĩnh mạch.

+ Nhục tý: đau cơ như chuột rút.

+ Bì tý: các chứng tê bì chân tay.

Các phương pháp điều trị bằng YHCT bao gồm:

– Điều trị bằng thuốc YHCT: điều trị theo chứng bệnh đối với từng bệnh nhân (biện chứng luận trị), theo nghiệm phương (các bài thuốc/vị thuốc cổ truyền), hoặc theo các bài thuốc đã được nghiên cứu bằng y học hiện đại.

– Điều trị bằng tác động hệ thống kinh lạc: châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp.

Điều trị đau bằng vật lý trị liệu và phục hồi chức năng

Các phương pháp Vật lý có tác dụng giảm đau nhanh và hầu như không có tác dụng phụ, độ an toàn cao, phù hợp cho những chứng đau mạn tính kéo dài, hay các bệnh nhân đã có tai biến do dùng thuốc giảm đau.

– Nhiệt trị liệu (nhiệt nóng, nhiệt lạnh): có tác dụng giảm đau tức thì do tác động ngay vào cơ chế gây đau ở cả ngoại vi và trung ương. Mặt khác lại là phương pháp đơn giản có thể thực hiện ở bệnh viện hoặc tại nhà. Các phương pháp hay dùng là: bó paraphin, chiếu đèn hồng ngoại, các loại túi chườm nhiệt…; thời gian 15-20 phút, 1-2 lần mỗi ngày.

– Điện trị liệu: điện một chiều (bao gồm cả điện di thuốc), điện xung, điện cao tần. Cũng là những phương pháp giúp giảm đau tốt do tác động vào các giai đoạn của quá trình tiếp nhận và dẫn truyền đau. Hầu hết các phương pháp điện trị liệu thường được tiến hành tại cơ sở y tế, tuy nhiên hiện nay trên thị trường đã có nhiều loại máy điện xung được thiết kế nhỏ gọn và dễ sử dụng cho phép bệnh nhân có thể tự thao tác tại nhà; mỗi lần điều trị 10 phút, 1-2 lần mỗi ngày.

– Cơ học trị liệu: xoa bóp, tập vận động, thủy trị liệu, kéo giãn. Khi được hỏi về lợi ích của các liệu pháp điều trị đau, các chuyên gia châu Âu đặt tập luyện phục hồi chức năng lên hàng đầu, trên cả thuốc giảm đau và phẫu thuật khớp. Việc tập luyện vận động phải được đưa vào cuộc sống hàng ngày và quan trọng nhất là lựa chọn hình thức tập phù hợp cho từng bệnh nhân. Để tạo thuận lợi cho việc tập luyện, bệnh nhân cần được đánh giá ban đầu và ở từng giai đoạn, nhằm điều chỉnh chương trình tập luyện cho phù hợp và tối ưu hóa lực tải đè ép lên các khớp. Điều đó có thể đạt được thông qua các bài tập tăng sức cơ, làm tăng sức ép lên các yếu tố thần kinh cơ, mà ít gây tải trọng lên khớp. Khi bắt đầu tập luyện bệnh nhân sẽ có cảm giác tình trạng đau tăng lên. Tuy nhiên, tình trạng đau sẽ giảm dần sau khi tập và sẽ không tăng theo thời gian.

– Ánh sáng trị liệu: tử ngoại, LASER là những biện pháp thường chỉ được áp dụng ở cơ sở y tế.

Điều trị đau bằng thủ thuật và phẫu thuật

– Các thủ thuật điều trị đau như tiêm điểm đau kích thích, tiêm cột sống ngoài màng cứng, tiêm vào khớp có thể đem lại kết quả giảm đau nhanh và kéo dài. Tuy nhiên các thủ thuật này có nhiều rủi ro như biến chứng nhiễm trùng và gây tổn thương thứ phát (nhất là thủ thuật tiêm khớp). Vì vậy các thủ thuật tiêm nhất thiết phải được tiến hành ở các cơ sở y tế có đủ các điều kiện tiêu chuẩn, với chuyên gia có kinh nghiệm.

– Với một số bệnh lý hoặc bệnh lý nặng thì việc chỉ định phẫu thuật là bắt buộc. Tuy nhiên đối với các bệnh lý đau ở giai đoạn sớm (như thoát vị đĩa đệm, thoái hóa khớp) thì chỉ định phẫu thuật đôi khi vẫn có những ý kiến trái chiều. Trong khi đa số các nhà ngoại khoa thì khuyên bệnh nhân nên lựa chọn phẫu thuật càng sớm càng tốt tạo thuận lợi cho việc lựu chọn phương pháp phẫu thuật tốt nhất và cuộc mổ diễn ra thuận lợi; thì một số nhà nội khoa lại khuyên bệnh nhân nên điều trị nội khoa đến khi thất bại mới lựa chọn một giải pháp ngoại khoa. Điều này làm cho bệnh nhân phân vân trong việc lựa chọn biện pháp điều trị. Vì vậy lựa chọn thời điểm chỉ định điều trị phẫu thuật cần cân bằng giữa hiệu quả điều trị, điều kiện kinh tế và những biến chứng có thể xảy ra sau phẫu thuật.

Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !

-9%
Bán chạy

Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng

[Wonder MF508N] Máy vật lý trị liệu Wonder MF5-08N (New)

Giá gốc là: 3.600.000₫.Giá hiện tại là: 3.290.000₫.
10.990.000
Mua
-6%

Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới

[MPT8-12] Máy vật lý trị liệu đa năng MPT8-12

Giá gốc là: 3.700.000₫.Giá hiện tại là: 3.490.000₫.
Mua
BH 20 năm
Mua

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

DMCA.com Protection Status