(ĐTĐ) – ”Nếu bây giờ ai cho cả cục vàng bảo mình đi phun hồng nhũ hoa một lần nữa thì cũng đành chào thua”, chị Nguyệt rùng mình nhớ lại nỗi đau đớn khi làm thủ thuật.
Chị Nguyệt, 37 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội, đi làm đẹp nhũ hoa cách đây một năm. Đã có hai con đủ trai đủ gái và không có nhu cầu sinh nở nữa nhưng vì sợ ảnh hưởng đến vùng nhạy cảm nên trước khi quyết định đi làm đẹp, chị đã tham khảo giá cả cũng như kinh nghiệm của những người đi trước.
Chị cũng gặp một số bác sĩ thẩm mỹ để được tư vấn. Sau khoảng nửa năm tìm hiểu, cuối cùng chị quyết định đến một cơ sở thẩm mỹ để phẫu thuật và phun hồng đôi nhũ hoa xuống cấp do sinh nở của mình, mất khoảng 4 triệu đồng.
Cho vàng cũng không dám làm lại
“Phần quầng đã được thu gọn lại rất xinh xắn. Đầu nhũ hoa cũng vậy, đã nhỏ bớt khoảng 1/3 diện tích so với bản gốc. Năm ngoái, màu hồng không được thật lắm nhưng giờ nhạt bớt nên trông rất xinh”, Nguyệt khoe.
Mặc dù vậy, khi được hỏi có làm lại không nếu bị phai màu thì chị lắc đầu, lè lưỡi: “Đau vô cùng. Còn đau như thế nào thì không thể tả được. Đẹp thì đẹp thật, nhưng nếu bây giờ bảo mình làm lại một lần nữa thì chắc chắn là không dám. Nếu có ai cho mình cả cục vàng thì mình cũng đành chào thua. Mặc dù đã hơn một năm rồi, nhưng mỗi lần nghĩ đến dao kéo lách lách và mũi kim di đi di lại trên vùng đó là mình lại sởn gai ốc. Chỉ một lần thôi, không có lần hai”.
Không ít chị em cho biết, mặc dù đã được các bác sĩ cho dùng thuốc nhưng vẫn rất đau khi “tân trang” nhũ hoa. Điều này cũng hoàn toàn dễ hiểu bởi đây là vùng cực kỳ nhạy cảm, có rất nhiều dây thần kinh. Thuốc có tác dụng trong thời gian làm phẫu thuật nhưng không thể dùng lâu dài sau đó. Không ít chị em thừa nhận “còn đau hơn đau đẻ”.
Và không phải ai cũng may mắn có được kết quả như ý như chị Nguyệt.
Trong một lần vui miệng, anh Nhật M., một cán bộ ngân hàng, cho biết, vợ anh cũng đi làm đẹp nhũ hoa. Thấy vợ giấu giấu giếm giếm, ban đầu anh tưởng chị đi nâng ngực hay làm ngực giả nên “điên” lắm, mắng cho một trận.
Chị khóc, bảo “em chỉ đi phun hồng đầu đỉnh thôi”, nhưng vì kỹ thuật viên quá tay nên chỗ ấy đỏ choe đỏ choét.
“Thảo nào mỗi lần vợ chồng sinh hoạt, nàng cứ tắt ngúm đèn. Mình bực lắm nhưng nếu chê, vợ lại đi sửa thêm lần nữa nên cứ phải giả vờ khen đẹp cho nàng yên lòng”, anh M. tâm sự.
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Ngoài “nỗi đau dao kéo” và màu sắc không như ý, những người đi làm đẹp nhũ hoa còn có thể gặp phải rủi ro dẫn đến hậu quả tai hại. Có người sau khi được làm nhỏ lại, đang “hoa lành” lại trở thành “hoa nát”.
Mặc dù đầu nhũ hoa nhỏ hơn, quầng cũng nhỏ hơn nhưng lại xiêu vẹo và dúm dó. Nếu gặp phải bác sĩ chuyên môn không tốt thì có thể mất đi một số chức năng của đầu nhũ hoa mà tạo hóa đã ban cho.
Không đơn giản như cắt tỉa hoa quả
Tiến sĩ Trần Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội, cho biết, nhiều người nghĩ phẫu thuật làm nhỏ đầu ngực cũng đơn giản như cắt tỉa hoa quả, nhưng không phải vậy.
Đầu nhũ hoa là nơi tập trung các tuyến ống dẫn sữa và các đầu dây thần kinh nhạy cảm. Tùy vào cơ thể, tùy vào kích thước của đôi bồng đào, các bác sĩ sẽ có những cách phẫu thuật khác nhau để tạo nên một đôi nhũ hoa phù hợp.
Có những trường hợp chỉ cần cắt bớt phần da là đã có thể thu nhỏ được, nhưng có trường hợp phải cắt đi một phần tuyến ống sữa theo chiều ngang của nhũ hoa.
Theo bác sĩ Nguyễn Vũ Hoàng, khoa Phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Xanh Pôn, có nhiều cách phẫu thuật làm nhỏ gọn nhũ hoa, như cắt bớt một phần da ở quầng ngực, khi kéo phần da đó hẹp lại, đầu nhũ hoa sẽ ngắn và gọn hơn. Cách này khá đơn giản nhưng nếu bác sĩ không có chuyên môn tốt thì vẫn có thể làm biến dạng.
Khó nhất là phương pháp phẫu thuật nhũ hoa theo chiều ngang. Phần cắt đi không khác gì cách ta gọt một chiếc bút sáp màu. Có những ca phải cắt bớt từ 1/3 đến một nửa. Trong khi đó, các tuyến ống sữa tập trung và phân đều ở khắp đầu nhũ hoa nên khi làm gọn lại cũng là cắt đi một số ống tuyến sữa phụ nằm rải rác ở xung quanh.
Những tuyến ống sữa bị cắt đi coi như vĩnh viễn không thể tiết sữa được nữa. Tuy nhiên, ở giữa nhũ hoa bao giờ cũng có một vệt lõm, đó chính là ống tuyến sữa chính, nơi tiết sữa nhiều nhất và quan trọng nhất. Do vậy, trước khi cắt, bác sĩ phải xác định đâu là ống tuyến sữa chính, đâu là các ống tuyến sữa phụ. Nguyên tắc là không bao giờ được động đến ống sữa chính. Các tuyến ống sữa phụ thì có thể cắt nhưng nếu phạm phải ống sữa chính thì khách hàng sẽ vĩnh viễn không còn khả năng tiết sữa.
Nếu còn sinh nở thì không nên làm
Bác sĩ Đào Xuân Dũng cho rằng, ngực phụ nữ là bộ phận nhạy cảm trong sinh hoạt tình dục nhưng không phải mọi người đều nhạy cảm như nhau. Có người thích được kích thích ở vùng ngực nhưng có người lại thích ở vùng đùi, có người lại thích ở vùng tai, gáy… Do vậy, trước khi quyết định đi làm đẹp, hơn ai hết chị em cần hiểu rõ cơ thể cũng như tác dụng vùng nhũ hoa của mình để có quyết định đúng đắn.
Đối với những trường hợp vẫn còn sinh nở và nuôi con các bác sĩ khuyên không nên làm, bởi việc cắt bớt hay phun xăm đầu nhũ hoa chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiết sữa.
Theo nhóm bác sĩ tư vấn sức khỏe sinh sản của Trung tâm tư vấn Quang Hồng, nhũ hoa còn là nơi tập trung của rất nhiều đầu dây thần kinh nhạy cảm kích thích trung khu của tuyến yên. Sự tiết sữa và tạo nên hưng phấn tình dục nhờ vào sự kích thích lên trung khu tuyến yên này. Do đó, chị em cần rất thận trọng khi làm đẹp vùng nhạy cảm.
Theo Gia đình
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !