(ĐTĐ) – Nghiên cứu mới chỉ ra mối liên hệ giữa tín hiệu thần kinh tác động tới cảm giác đau đớn của con người. Sự đau đớn không phải lúc nào cũng gây ra cho con người sự khó chịu, mà trong một số trường hợp, sự đau đớn có thể giúp chúng ta cảm thấy dễ chịu.
Một nghiên cứu tại ĐH Oslo (Na Uy) đã chỉ ra việc con người sẽ cảm thấy ”khoan khoái” khi bị đau đớn, nếu như vết thương đó ít đau hơn so với việc họ tưởng tượng ra nó sẽ gây đau đớn như thế nào.
Nhà tâm lý học Siri Leknes, đồng tác giả của nghiên cứu tại ĐH Oslo cho biết, nhận thức về sự đau đớn của con người sẽ tác động tới cảm giác của chúng ta. Nếu như não bộ tự đánh giá vết thương này là ”rất đau”, trong khi trên thực tế chúng ta chỉ đau ở mức bình thường, thì đó chính là lúc con người được trải nghiệm cảm giác ”dễ chịu” khi đau đớn.
Để tiến hành xác thực, Leknes và đồng nghiệp đã tiến hành thử nghiệm trên 16 tình nguyện viên được gắn cảm biến đau đớn bằng nhiệt trên vai. Song song với đó, các tình nguyện viên sẽ được quét não bằng máy MRI – máy scan cộng hưởng từ.
Họ phải trải qua cảm giác bị đau ở mức nhẹ tới mức dữ dội, với các mức nhận thức nỗi đau khác nhau. Sau đó, họ được cảnh báo trước mức độ nặng nhẹ của sự đau đớn và cho tiến hành lại thí nghiệm.
Lúc này, các nhà nghiên cứu tráo đổi cảm giác đau: Khi cảnh báo họ ở mức độ đau đớn dữ dội, thì họ chỉ phải trải qua mức độ nhẹ. Kết quả từ tín hiệu não phát ra cho thấy những người thí nghiệm trải qua sự ”khoan khoái” khi nỗi đau không lớn như họ nhận thức.
Nghiên cứu được xuất bản trên chuyên đề tháng 3 của tạp chí Pain, mở ra hy vọng mới cho việc lý giải hiện tượng con người thích cảm giác bỏng vì ớt hay bạo dâm.
Nguồn Kenh14.vn
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !