(ĐTĐ) – Thực hiện giảm đau sau mổ tốt sẽ ảnh hưởng tích cực đến tâm lý và giúp bệnh nhân phục hồi nhanh sau khi được phẫu thuật.
Theo bác sĩ (BS) Nguyễn Văn Chinh, Trưởng khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện (BV) Nguyễn Tri Phương, trong lúc phẫu thuật, nhờ được gây mê hoặc gây tê, chắc chắn bệnh nhân sẽ không thấy đau. Nhiều giờ sau, khi thuốc tê, thuốc mê đã hết tác dụng, nếu điều trị đau không tốt, bệnh nhân vẫn có thể chịu đựng được nhưng cảm giác đau sẽ trở thành cảm xúc lo lắng, sợ hãi.
Giảm đau tốt sẽ giúp bệnh nhân phục hồi nhanh sau phẫu thuật
Tâm lý không ổn định sẽ khiến họ càng đau hơn, thậm chí nổi giận với thầy thuốc, không hợp tác điều trị, ảnh hưởng xấu đến quá trình hồi phục. Ngoài ra, bị đau nhiều có thể làm tăng nặng các bệnh lý nội khoa như tim mạch, tiểu đường, hô hấp…
Hiện nay, bệnh nhân cần được điều trị bằng phẫu thuật có thể yên tâm vì các phương pháp giảm đau sau mổ có rất nhiều tiến bộ. Nhờ những nghiên cứu giúp phát hiện các thụ thể đau ở tủy sống và các cơ chế gây đau, BS có thể dùng thuốc tác động trực tiếp lên những vùng đó để điều trị đau một cách hiệu quả.
Dấu hiệu sinh tồn thứ 5
Cùng với mạch, huyết áp, nhiệt độ, nhịp thở, đau được xem là dấu hiệu sinh tồn thứ 5. Vì vậy, trước khi phẫu thuật, bệnh nhân phải được khám tiền mê, chuẩn bị tâm sinh lý cho cuộc mổ, tư vấn các phương pháp giảm đau, từ đó lên kế hoạch gây mê và giảm đau cho bệnh nhân. Trong quá trình điều trị đau, phải luôn đánh giá mức độ đau theo các thang điểm để đưa vào hồ sơ bệnh án và ghi thành biểu đồ.
Căn cứ theo sự thay đổi các điểm đau để biết bệnh nhân đau nhiều hay ít, từ đó điều chỉnh liều lượng thuốc giảm đau thích hợp. BS sẽ theo dõi cả trước, trong và sau mổ theo phác đồ điều trị đau để đảm bảo tính liên tục. Nếu phải chuyển sang khoa khác, chỉ cần nhìn vào biểu đồ là biết bệnh nhân đau ở mức nào, dùng thuốc gì và đáp ứng ra sao để đưa ra phương thức điều trị thích hợp.
BS Chinh cho biết, để tăng tính hiệu quả, bệnh nhân sẽ được giảm đau đa phương thức sau mổ, kết hợp cùng lúc nhiều kỹ thuật như truyền thuốc đường tĩnh mạch, gây tê vùng, gây tê trục thần kinh, giảm đau bằng làm lạnh, liệu pháp tâm lý, kích thích điện qua da… Đồng thời, thuốc giảm đau truyền vào người bệnh nhân cũng được dùng kết hợp để liều lượng, nồng độ thấp nhất nhằm giảm tối đa nguy cơ phản ứng phụ.
Nhờ giảm đau tốt sau mổ, bệnh nhân có thể xuất viện sớm, tiết kiệm đáng kể chi phí điều trị. Thậm chí với một số trường hợp phẫu thuật nội soi ít xâm lấn, bệnh nhân có thể ra về trong ngày sau khi được tư vấn các phương pháp tự chăm sóc tại nhà.
Xây dựng phác đồ bài bản
Trao đổi với PV Thanh Niên, BS Tăng Hà Nam Anh, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình BV Nguyễn Tri Phương, nhận định giảm đau sau mổ cực kỳ quan trọng đối với việc điều trị bằng phẫu thuật. Những kỹ thuật mới như mổ nội soi hay thay khớp với đường mổ nhỏ có lợi thế là chỉ 6 giờ sau mổ, BS có thể cho bệnh nhân tập vật lý trị liệu, sớm hơn rất nhiều so với trước đây (đợi đến 3-4 ngày sau mới tập). Việc tập vật lý trị liệu rất quan trọng vì khớp cần được vận động sớm. Nếu giảm đau sau mổ không tốt, bệnh nhân sẽ không dám tập, để lâu có thể dẫn đến cứng khớp, ảnh hưởng lớn đến quá trình phục hồi chức năng.
Bên cạnh đó, tâm lý bệnh nhân ai cũng sợ phải động chạm đến dao kéo, đặc biệt nếu đã từng một lần bị đau nhiều sau mổ. Với tâm lý này, bệnh nhân sẽ e ngại, tìm cách thoái thác khi BS cho chỉ định mổ, kéo dài thời gian làm tình trạng ngày càng xấu đi. Đến lúc không thể trì hoãn được nữa thì việc phẫu thuật đã trở nên phức tạp hơn rất nhiều.
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Theo BS Nam Anh, một trong những điểm quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả giảm đau sau mổ cho bệnh nhân là xây dựng phác đồ điều trị đau bài bản và kết hợp chặt chẽ giữa các khoa ngoại với khoa gây mê hồi sức. Tại Việt Nam, nhiều BV có thể thực hiện tốt những kỹ thuật giảm đau tiên tiến nhưng chỉ một phần nhỏ trong số đó xây dựng thành phác đồ chi tiết, có kiểm chứng, báo cáo để đánh giá hiệu quả.
Đặc biệt, trong phác đồ điều trị đau phải có phần giải thích “chiến lược” giảm đau cho bệnh nhân: mổ sẽ đau ra sao, cơn đau lan ra thế nào nhưng sẽ được sử dụng các thuốc gì để ngăn chặn… Một khi đã được tư vấn rõ ràng, bệnh nhân sẽ không còn hoang mang, lo lắng. Tâm lý trở nên ổn định cũng đã giúp giảm đau vài phần. Ở những BV bị quá tải, vẫn có thể thực hiện được việc này bằng cách in lại phác đồ điều trị đau lên tờ rơi để phát cho bệnh nhân khi được chỉ định phẫu thuật.
Nguồn Thanhnien.com.vn
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !