(ĐTĐ) – Suy nhược thần kinh là biểu hiện của sự mất thăng bằng chức năng của thần kinh trung ương với các triệu chứng: đau đầu, chóng mặt, mất ngủ, trí nhớ giảm sút. Kéo theo đó là hàng loạt các chức năng: tiêu hóa, tuần hoàn, nội tiết… bị suy giảm nghiêm trọng.
Thế nào là suy nhược thần kinh?
Bệnh suy nhược thần kinh bùng phát nhiều ở giai đoạn tuổi trưởng thành của con người, do giai đoạn này tuổi trẻ ít kinh nghiệm sống nhưng lại nhiều tham vọng, tâm sinh lý phát triển mạnh nhưng chưa thật sự ổn định nên khả năng thích ứng với môi trường bên ngoài chưa cao, dẫn đến những xung đột tâm lý khó kìm hãm. Đặc trưng chủ yếu của bệnh này là hoạt động tinh thần dễ hưng phấn song lại dễ mệt mỏi, cơ thể có nhiều cảm giác khó chịu… nhưng khi đi kiểm tra sức khỏe lại không có biểu hiện bệnh gì rõ rệt.
Việc phát hiện bệnh suy nhược thần kinh thường rất chậm. Mới đầu chỉ thấy hiện tượng đau đầu, chóng mặt, toàn thân khó chịu. Tiếp đến là sự đảo lộn qui luật của giấc ngủ: ban ngày thì buồn ngủ mà ban đêm lại tỉnh táo, khó ngủ, ác mộng, chán ăn, mệt mỏi, trí nhớ giảm sút, tâm lý hoang mang, hiệu quả công việc giảm sút… Tinh thần của người bệnh thường rất nặng nề, nhất là khi đã sử dụng nhiều loại thuốc bổ mà vẫn không thấy hiệu quả. Vì thế sự lo lắng càng gia tăng, làm cho cuộc sống của người bệnh không yên ổn, gây nên sự căng thẳng và bất hòa trong các mối quan hệ, đặc biệt là trong cuộc sống gia đình. Tinh thần bất ổn, xáo trộn tâm lý, trí nhớ kém, không tập trung trong công việc… khiến cho mọi người xung quanh và ngay bản thân người bệnh cũng cảm thấy cuộc sống nặng nề, khó hiểu. Nếu đã mắc bệnh suy nhược thần kinh trong một thời gian dài thì việc nghỉ ngơi đơn thuần sẽ không có hiệu quả trị liệu, ngược lại có thể làm cho bệnh trầm trọng thêm.
Điều trị bệnh như thế nào?
Quay về với tự nhiên là cách tốt nhất giúp người suy nhược thần kinh phục hồi sức khỏe và cuộc sống của mình cùng với việc điều trị theo đơn thuốc của bác sĩ một cách hợp lý. Duy trì nếp sinh hoạt có qui luật, làm việc có qui tắc, thường xuyên vận động, rèn luyện cơ thể, tham gia lao động nhẹ nhàng, tránh căng thẳng trong công việc. Cần tạo dựng cho người bệnh một hoàn cảnh sống tốt đẹp, một bầu không khí gia đình đầm ấm, sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, thời gian làm việc một cách hợp lý. Cần đặc biệt chú ý, người suy nhược thần kinh cứ 45 – 50 phút làm việc thì nên dành 10 đến 15 phút để nghỉ ngơi, cho tế bào não giảm bớt sự căng thẳng.
Khiêu vũ là một trong những hoạt động khuyến khích những bệnh nhân suy nhược thần kinh tham gia. Vì nó vừa hoạt động thân thể nhịp nhàng, thư giãn gân cốt, giúp lưu thông máu vừa tạo bầu không khí thân mật, cởi mở, tạo thuận lợi cho việc thư giãn tinh thần. Có những thói quen tưởng như rất bình thường nhưng lại hữu ích đối với người suy nhược thần kinh là duy trì chải đầu vào mỗi buổi sáng – trưa, bằng lược răng thưa và ngắn với nhịp độ 2 phút/lần… Việc này thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu ở đầu, cải thiện quá trình cung cấp ôxy và trao đổi dinh dưỡng cho da đầu, làm giảm sự mệt mỏi cho não.
Nguồn Daidoanket.vn
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !