(ĐTĐ) – Loãng xương là hiện tượng suy giảm khối lượng xương, làm cho xương trở nên mỏng manh, dễ gãy. Khi mắc bệnh loãng xương, cho dù những động tác bình thường hằng ngày như xách túi đi chợ cũng có thể làm gãy xương. Các vị trí thường xảy ra gãy xương là cột sống, khớp háng và cổ tay. Loãng xương được gọi là “kẻ phá hoại thầm lặng” vì bệnh nhân thường không biết mình bị loãng xương cho đến khi phát hiện thì đã quá muộn.
Phụ nữ dễ mắc bệnh
Xương là mô sống tăng trưởng, ở trạng thái động, tức có sự quân bình giữa tình trạng thành lập và phá hủy mô xương (xương cũ mất đi và xương mới hình thành). Sau tuổi 35, quá trình mất xương nhanh hơn quá trình tạo xương.
Sự quân bình trên sẽ bị rối loạn khi cơ thể bị giảm chất khoáng, sinh tố D hoặc hoạt tính của sinh tố D; tăng hoạt hormone tuyến giáp trạng, cận giáp trạng, tuyến vỏ thượng thận; dùng một số thuốc có hại đến xương; ít hoạt động hoặc bị bệnh phải nằm bất động lâu. Khi xảy ra hiện tượng loãng xương thường không có dấu hiệu để nhận biết. Một số hiện tượng có thể nhận dạng như giảm chiều cao, lưng bị còng, đau lưng kéo dài, gãy xương dù chỉ bị tác động nhẹ.
Theo giới chuyên môn, có khoảng 40% phụ nữ và 15% nam giới tuổi trung niên có nguy cơ bị gãy xương do loãng xương. Khi đã bị gãy xương do loãng xương một lần, bệnh nhân rất dễ bị gãy thêm nhiều lần nữa. Loãng xương thường gặp ở phụ nữ, vì 5-10 năm sau khi mãn kinh có hiện tượng giảm nội tiết tố nữ, giảm estrogen làm tăng sự mất canxi.
Phòng ngừa
Bệnh loãng xương còn do yếu tố di truyền và thể trạng. Tiền sử gia đình có người bị loãng xương, người có xương nhỏ, chiều dài trục xương hông lớn, phụ nữ bị tắt kinh sớm hoặc có kinh trễ. Những người hút thuốc lá, uống rượu, cà phê nhiều cũng dễ mắc bệnh loãng xương. Để biết có bị bệnh loãng xương hay không, tốt nhất đo mật độ xương DXA (phương pháp đo độ hấp thụ tia X năng lượng kép).
Ở bất kỳ tuổi nào, thay đổi lối sống đều có thể cải thiện tình trạng xương và giảm nguy cơ phát triển loãng xương. Tập thể dục với các bài tập chịu đựng sức nặng và bài tập rèn luyện sức bền là điều cần thiết. Bạn có thể đi bộ, khiêu vũ, chơi golf, quần vợt. Bổ sung canxi vì nó đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và duy trì bộ xương. Nhiều nghiên cứu đã được công bố chứng minh ăn uống thiếu hụt canxi gây ra mật độ xương thấp, tăng nguy cơ loãng xương. Ăn uống thiếu hụt canxi khi còn trẻ có thể làm giảm 5%-10% khối lượng xương và làm tăng đáng kể nguy cơ gãy khớp háng lúc tuổi già.
Cung cấp đầy đủ canxi cho cơ thể là bước khởi đầu thiết yếu trong phòng ngừa và điều trị loãng xương. Cách thông dụng để tăng lượng canxi trong khẩu phần ăn hằng ngày là uống nhiều sữa và các chế phẩm từ sữa (1 lít sữa cung cấp khoảng 1.000 mg canxi).
Nguồn Nld.com.vn
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !