(ĐTĐ) – Thoái hóa khớp là một bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi, gây đau, giảm vận động và biến đổi cấu trúc khớp dẫn đến tàn phế làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và còn là gánh nặng cho kinh tế gia đình, xã hội.
Thoái hóa khớp – qui luật tự nhiên khi về già
Thoái hoá khớp là một bệnh khớp thường gặp nhất ở người cao tuổi. Tuổi càng cao thì tỉ lệ mắc bệnh thoái hóa khớp càng tăng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ mắc bệnh về khớp chiếm khoảng 0,3-0,5% dân số, trong đó có 20% là thoái hóa khớp. Ở nước ta, thoái hóa khớp chiếm khoảng 10,41% các bệnh về xương khớp.
GS.TS. Trần Ngọc Ân – nguyên trưởng khoa Cơ xương khớp- Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thoái hóa khớp còn gọi là hư khớp. Khi cơ thể về già sẽ có các biểu hiện: tóc bạc, răng rụng, da nhăn nheo, tai nghe nghễng ngãng và hư khớp… Đây là một qui luật không thể đảo ngược và chúng ta phải thừa nhận vấn đề này, không nên coi đó là bệnh.
Thoái hóa khớp gối
Thoái hóa khớp chính là tình trạng già của khớp ở tổ chức sụn khớp. Khi về già quá trình phá hủy sụn khớp nhiều hơn hồi phục, do đó sụn khớp ngày càng mỏng đi… để trơ lại lớp xương ở bên dưới. Đây là lớp xương tự nhiên của tuổi già (không tránh khỏi).
Thoái hóa khớp gây đau, giảm vận động và biến đổi cấu trúc khớp dẫn đến tàn phế. Nếu được chẩn đoán sớm và điều trị sớm có thể làm chậm sự phát triển của bệnh, giảm triệu chứng đau, giúp người bệnh duy trì cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng. Các khớp hay bị thoái hóa là khớp gối, cột sống thắt lưng, cột sống cổ…
Có nhiều yếu tố nguy cơ gây thoái hoá khớp. Theo nguyên nhân, có thể phân biệt hai loại thoái hóa khớp: Nguyên phát (do sự lão hóa, xuất hiện muộn, thường ở người sau 60 tuổi, ở nhiều vị trí, tiến triển chậm và tăng dần theo tuổi) và thứ phát (phần lớn là do nguyên nhân cơ giới, gặp ở mọi lứa tuổi thường là dưới 40 tuổi, khu trú một vài vị trí nặng và phát triển nhanh).
Khi bị thoái hóa khớp thường có các biểu hiện lâm sàng. Đau âm ỉ, đau tăng khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi làm hạn chế vận động có khi có phản ứng viêm như sưng, nóng, đỏ đau (hiện tượng này khỏi nhanh khi nghỉ ngơi), biến dạng hay lệch trục khớp… Ngoài ra, có thể có tiếng kêu bất thường lục cục, lạo xạo khi vận động… Chụp X quang có ba dấu hiệu cơ bản: hẹp khe khớp, đặc xương dưới sụn và mọc gai xương…
Ứng phó như thế nào?
Cho đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị khỏi thoái hóa khớp. Các thuốc điều trị hiện nay nhằm mục đích điều trị các triệu chứng do thoái hóa khớp gây nên. Ngoài ra có thể phục hồi chức năng, hạn chế các tác động cơ giới quá mức ở khớp và cột sống để ngăn ngừa và phòng bệnh.
Các thuốc có thể dùng trong thoái hóa khớp như: các thuốc giảm đau chống viêm từ nhẹ đến nặng. Chỉ dùng (tiêm) corticoid vào khớp khi thoái hóa khớp có phản ứng viêm thứ phát: sưng, nóng, đỏ, đau. Việc dùng thuốc này cần phải do bác sĩ chuyên khoa chỉ định và thực hiện mà người bệnh không nên tự ý điều trị.
Các khớp hay bị thoái hóa.
Về các thuốc có nguồn gốc thiên nhiên, theo GS. Hoàng Bảo Châu, nguyên Viện trưởng Viện YHCT Việt Nam, hiện có nhiều sản phẩm cũng có tác dụng tốt với thoái hóa khớp. Các sản phẩm này thường được chiết xuất từ vỏ tôm, cua, sò, sụn động vật (để phục hồi sụn khớp) hay từ mai rùa, mẫu lệ, thương truật (cung cấp các chất vi lượng, acid amin), các thảo dược có tác dụng giảm đau, hoạt huyết… như viên khớp tâm bình, glucosamin, chondroitin….
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Các phương pháp không dùng thuốc như xoa bóp, bấm huyệt, tập vận động… để tác động vào các cơ, gân co cứng có tác dụng làm cho các cơ gân mềm ra, giảm đau cũng có tác dụng.
Trường hợp điều trị nội khoa không đạt kết quả hoặc có ảnh hưởng lớn đến chức năng cử động khớp có thể dùng biện pháp can thiệp phẫu thuật.
Làm thế nào để thoái hóa khớp chậm lại?
Theo GS Ân, trong cuộc sống hàng ngày nên tập luyện, vận động đúng mức, phù hợp với tình trạng sức khoẻ; Tuyệt đối không cho tăng cân (vì cứ nếu tăng lên 1 kg thì khớp phải chịu đựng sức nặng tăng gấp 5 lần); Chống các tư thế xấu trong lao động, sinh hoạt và tránh các tác động gây hại cho khớp như các động tác quá mạnh, đột ngột và sai tư thế khi bê vật nặng, mang vác, đẩy, xách, nâng… Đối với trẻ em cần chữa sớm bệnh còi xương, chỉnh các dị dạng bất thường của khớp (bàn chân vẹo, chân chữ O, X …) và cần phát hiện sớm các dị tật của xương, khớp và cột sống để có biện pháp sớm, ngăn ngừa thoái hóa khớp thứ phát.
Nguồn Suckhoedoisong.vn
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !