(ĐTĐ-Hướng điều trị thoái hóa sụn – khớp) – Thoái hóa sụn – khớp là bệnh hay gặp nhất của người cao tuổi (NCT), không phân biệt nam và nữ. Đây là bệnh thoái hóa mang tính quy luật của sụn khớp và đĩa đệm, lệ thuộc vào tuổi tác và có thể do đặc thù nghề nghiệp.
Đặc điểm sụn – khớp và một số nguyên nhân gây làm thoái hóa
Khớp bao gồm dây chằng, cơ bắp, gân, sụn, bao khớp (có màng hoạt dịch lót ở phía trong). Dây chằng có tác dụng gắn các khớp với nhau và co giãn nhịp nhàng; cơ bắp co duỗi làm cho các khớp chuyển động; gân gắn xương với cơ thể để chuyển sức co của cơ vào xương; bao khớp có dịch khớp: tác dụng bôi trơn khớp, giúp cho khớp hoạt động nhịp nhàng và dịch khớp còn có tác dụng dinh dưỡng cho khớp. Với tổ chức sụn là một thành phần lớp đệm bảo vệ, đóng vai trò vô cùng quan trọng tránh sự cọ xát của hai đầu xương khi vận động, làm trơn bề mặt khớp và ngăn cản hay phân tán lực tác động lên bề mặt của sụn, bảo vệ đầu xương.
Đặc điểm của lớp sụn khớp là lớp mô trong suốt vừa cứng vừa dai và đàn hồi tốt. Sụn khớp được cấu tạo hai thành phần chính là tế bào sụn và chất căn bản. Tế bào sụn không có khả năng sinh sản và không có khả năng tái tạo sau tuổi trưởng thành và do đó không có tế bào mới thay thế tế bào chết. Chất căn bản có nhiều thành phần khác nhau như: nước, proteoglycan và sợi collagen. Proteoglycan chứa lõi protein và các chuỗi glycosaminoglycan ở bên cạnh và chủ yếu là chondroitin sulfate và keratan sulfate. Các thể proteoglycan kết nối với acid hyaluronic. Các glycosaminoglycan khác và các protein liên kết với cấu trúc này đảm bảo tính ổn định và bền vững của sụn. Trong các chất căn bản thì vai trò quan trọng nhất là collagen týp 2 (UC-II), chiếm 85 – 90%.
Sụn khớp không có mạch máu hoặc dây thần kinh đi qua, do đó chúng được nuôi dưỡng nhờ sự thẩm thấu nhờ tổ chức xương dưới sụn, màng hoạt dịch và dịch khớp. Do vậy, sụn rất dễ bị thoái hóa âm thầm theo năm tháng mà gần như không có dấu hiệu báo trước. Thống kê cho thấy có khoảng trên 50% số người trên 65 tuổi có hình ảnh X-quang thoái hóa sụn – khớp và lứa tuổi trên 75 thì hầu hết có ít nhất một khớp bị thoái hóa.
Lời khuyên thầy thuốcCần lưu ý là chỉ nên lựa chọn 1 trong số các thuốc chống viêm giảm đau không steroid, không nên phối hợp 2 hay nhiều thuốc cùng nhóm vì nếu kết hợp nhiều loại sẽ làm tăng nguy cơ biến chứng nhưng tác dụng điều trị thì không tăng. |
Một số nguyên nhân chính làm thoái hóa sụn khớp được nhắc đến nhiều nhất là do sự lão hóa. Bởi vì, ở người trưởng thành các tế bào sụn không có khả năng sinh sản và tái tạo, mặt khác khi tuổi càng cao, cùng với sự lão hóa của cơ thể, các tế bào sụn cũng dần dần giảm chức năng tổng hợp các chất căn bản. Ngoài ra, có nhiều yếu tố thuận lợi làm cho tổ chức sụn khớp bị tổn thương như: chấn thương hoặc vi chấn thương có vai trò quan trọng làm thay đổi bề mặt sụn. Những chấn thương lớn gây gãy xương, trật khớp kèm theo tổn thương sụn hoặc phân bố lại áp lực trên bề mặt sụn khớp. Một số bệnh về nội tiết, rối loạn chuyển hóa, bệnh về khớp hoặc bệnh về máu làm ảnh hưởng đến thoái hóa sụn khớp thường gặp là bệnh to đầu chi, bướu cổ đơn thuần, phụ nữ sau mãn kinh, các dị tật bẩm sinh về khớp, viêm khớp nhiễm khuẩn (thấp khớp cấp), viêm khớp mãn tính, bệnh gout, bệnh loạn dưỡng xương, bệnh rối loạn đông, chảy máu (Hemophylia). Ngoài ra còn có thể di yếu tố gia đình (di truyền) hoặc hay gặp hơn là do nghề nghiệp đặc thù.
Những người đang hoặc có tiền sử lao động nặng nhọc, công nhân khuân vác, những thợ mỏ có tỉ lệ mắc bệnh thoái hóa sụn – khớp cao hơn những người làm công việc nhẹ.
Một số triệu chứng điển hình
Đau tăng khi vận động, giảm khi nghỉ. Đau âm ỉ, tăng từng đợt khi mang vác nặng, sai tư thế, khi mệt mỏi, căng thẳng thần kinh, thay đổi thời tiết và nổi bật nhất là bệnh hay tái phát. Đau thường xuất hiện sớm ở những khớp chịu lực ( khớp gối, khớp cổ chân, cổ tay, cột sống thắt lưng, cột sống cổ). Không hoặc ít kèm các biểu hiện viêm.
Có thể có tràn dịch khớp mà thường gặp ở khớp gối. Hạn chế vận động, nhất là sáng sớm lúc mới ngủ dậy, điển hình là khớp gối. Dấu hiệu lạo xạo khi vận động (đặc biệt ở khớp gối). Nếu bệnh xảy ra với thời gian dài có thể gây biến dạng khớp mà hay gặp nhất ở NCT là cột sống gây gù, vẹo, co cứng cơ lưng. Trong trường hợp bị thoái hóa cột sống thắt lưng thì có thể gây đau thần kinh tọa, teo cơ đùi hoặc cẳng chân. Nếu thoái hóa cột sống cổ thì gây nên đau vai gáy, tê tay. Một số trường hợp có thể gây teo cơ do ít vận động.
Điều trị thoái hóa sụn khớp như thế nào?
Có một số nguyên tắc chung trong điều trị thoái hóa sụn – khớp là điều trị triệu chứng đau và điều trị duy trì. Cần dùng thuốc giảm đau nhưng phải hạn chế đến mức tối đa thuốc có tác dụng phụ đến hệ thống tiêu hóa (dạ dày) và hệ thống tim mạch. Thuốc giảm đau có thể là các thuốc chống viêm giảm đau, các thuốc giảm đau đơn thuần, các thuốc điều trị chống co cứng cơ. Điều trị duy trì gồm các loại thuốc giảm đau và thuốc làm thay đổi các cấu trúc sụn. Loại thường được dùng là loại thuốc chống viêm giảm đau không steroid. Đây là nhóm gồm nhiều thuốc, có tác dụng chống viêm, giảm đau và hạ sốt. Khi dùng liều nhỏ các thuốc chống viêm giảm đau này sẽ giảm nguy cơ tác dụng phụ trên ống tiêu hóa.
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Các thuốc chống viêm kinh điển hoặc các thuốc chống viêm giảm đau ức chế COX1, COX2 đều có thể chỉ định điều trị thoai hóa khớp. Tuy nhiên thuốc ức chế chọn lọc COX2 ít nguy cơ gây biến chứng viêm, loét, chảy máu hoặc thủng dạ dày tá tràng hơn COX1. Cần lưu ý là chỉ nên lựa chọn 1 trong số các thuốc chống viêm giảm đau không steroid, không nên phối hợp 2 hay nhiều thuốc cùng nhóm vì nếu kết hợp nhiều loại sẽ làm tăng nguy cơ biến chứng nhưng tác dụng điều trị thì không tăng. Bên cạnh đó, khi dùng các loại thuốc này cần phải có phối hợp thêm các thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày, thuốc ức chế bơm proton (omeprazole 20mg/ngày) hoặc misoprostol (200mg/2lần/ngày).
Việc dùng thuốc để tái tạo sụn khớp rất cần thiết. Vì vậy, người ta áp dụng Glucosamin sulfat trong điều trị thoái hóa sụn – khớp. Thuốc này có tác dụng tăng tổng hợp các tinh chất sụn proglycan và glucosaminoglycan làm tăng tính đàn hồi của tinh chất sụn, thay đổi cấu trúc sụn khớp. Thêm vào đó còn được sử dụng loại Glucosamin sulfat kết hợp chondroitin sulfat được coi là chất dinh dưỡng bổ sung, có thể dùng riêng rẽ hoặc phối hợp thuốc để làm tăng hiệu quả điều trị…
Những bệnh nhân điều trị nội khoa không kết quả hoặc có ảnh hưởng lớn đến chức năng cử động khớp có thể dùng biện pháp can thiệp phẫu thuật, nhưng phải tùy theo loại khớp nào có thể tiến hành được.
Nguồn Suckhoedoisong.vn
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !