(ĐTĐ) – Bao hoạt dịch khớp gối khi bị tổn thương sẽ gây ra một số bệnh như u nang bao hoạt dịch, bệnh Hoffa, nếp gấp bao hoạt dịch (plica). Chúng tôi giới thiệu bài Tràn dịch khớp gối là bệnh lý gặp nhiều nhất so với các bệnh của bao hoạt dịch khớp gối.
Tràn dịch khớp gối là tổn thương gây ra tình trạng dịch trong khớp gối quá nhiều làm cho khớp gối bị phù nề, sưng to, giảm chức năng vận động, đau khi vận động… Tràn dịch khớp gối do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó thường gặp nhất là do chấn thương, nhiễm khuẩn ở khớp gối và một số bệnh lý. Nếu bị chấn thương, bệnh nhân sẽ bị đau và tràn dịch khớp gối.
Các chấn thương thường gặp là: gãy xương, rách sụn chêm khớp gối, đứt các dây chằng khớp gối như dây chằng chéo trước hoặc dây chằng chéo sau, chấn thương do quá tải khớp gối, thường gây tổn thương sụn khớp. Do nhiễm khuẩn và bệnh lý gồm: nhiễm khuẩn khớp gối, thoái hóa khớp gối, viêm khớp dạng thấp ở khớp gối, bệnh gút ở khớp gối, viêm bao hoạt dịch khớp gối, viêm màng hoạt dịch khớp gối mạn tính, các dạng nang bao hoạt dịch khớp, u ở khớp gối…
Biểu hiện của tràn dịch khớp gối
Các yếu tố nguy cơ đến tràn dịch khớp gốiTuổi cao trên 50 tuổi, hoạt động thể thao cường độ cao như bóng đá, bóng rổ, béo phì: trọng lượng cơ thể quá lớn dồn xuống khớp gối gây quá tải khớp gối, gây vi chấn thương cho các thành phần của khớp gối. Tràn dịch khớp gối nếu không được điều trị sẽ dẫn đến biến chứng hạn chế vận động khớp; khi phải chọc hút dịch khớp nhiều lần sẽ tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, nếu bị nhiễm khuẩn sẽ dẫn đến phá hủy khớp, ảnh hưởng đến sức khỏe bệnh nhân. |
Thông thường, một người bị tràn dịch khớp gối có các triệu chứng như: sưng nề một bên gối to hơn bên lành, đánh giá bằng cách dựa vào các mốc xương để so sánh hai bên đầu gối. Hạn chế vận động khớp: khớp gối bị tràn dịch sẽ hạn chế vận động do lượng dịch trong khớp cản trở vận động của khớp. Đau nhiều hoặc ít tùy thuộc vào nguyên nhân gây tràn dịch khớp, có thể do đau mà bệnh nhân không thể đi lại được.
Chụp Xquang có thể thấy các tổn thương như: gãy xương, trật khớp hoặc bệnh lý u xương, thoái hoá khớp… Chụp cộng hưởng từ có thể phát hiện các tổn thương xương và phần mềm của khớp gối như sụn chêm, dây chằng, gân hay sụn khớp. Các xét nghiệm máu có thể xác định được tình trạng nhiễm khuẩn, viêm, viêm khớp dạng thấp, bệnh ưa chảy máu, gút… Chọc hút dịch khớp để xác định bản chất của dịch khớp: có máu hay không, liên quan đến chấn thương hoặc bệnh lý ưa chảy máu, vi khuẩn gây tình trạng nhiễm khuẩn, các tinh thể gây bệnh gút hoặc giả gút. Tràn dịch khớp gối nhiều sẽ làm hạn chế cử động của khớp gối và gây đau khi bệnh nhân đi lại.
Điều trị và phòng bệnh
Các phương pháp điều trị tràn dịch khớp gối gồm: điều trị giảm đau, sử dụng một số thuốc giảm đau thông thường theo sự tư vấn của bác sĩ để cải thiện triệu chứng.Thuốc kháng sinh được chỉ định khi có nguy cơ hoặc đang bị nhiễm khuẩn. Thuốc kháng viêm corticosteroid có thể sử dụng đường uống hoặc tiêm trực tiếp vào khớp gối. Do thuốc corticoid có một số tác dụng phụ, vì vậy phải được bác sĩ chuyên khoa kê đơn và theo dõi điều trị.
Các can thiệp xâm lấn: tràn dịch nhiều gây đau cho bệnh nhân nên việc chọc hút dịch có thể sẽ làm cho bệnh nhân dễ chịu, nhưng tốt nhất vẫn là xác định được chính xác nguyên nhân để điều trị triệt để. Chọc hút dịch khớp nhằm giảm áp lực đồng thời có thể kết hợp điều trị tiêm corticoid vào trong khớp. Nội soi khớp vừa giúp chẩn đoán nguyên nhân của tràn dịch khớp vừa có thể kết hợp điều trị như sửa chữa các thương tổn sụn, dây chằng hay tổn thương thoái hóa khớp. Phẫu thuật thay khớp sử dụng khi có tổn thương thoái hóa khớp gối.
Chọc hút dịch khớp gối
Bệnh nhân có thể tự chăm sóc khi bị tràn dịch khớp gối như sau: xắp xếp để được nghỉ ngơi, tránh việc đi lại để trọng lượng dồn xuống gối vì có thể làm tăng tình trạng tràn dịch và đau. Chườm đá và kê cao chân có tác dụng rất tốt đối với những trường hợp tràn dịch do chấn thương, kê chân cao giúp cho tuần hoàn ở dưới chân được tốt, tránh hoặc giảm được tình trạng sưng nề.
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Tràn dịch khớp gối thường gặp do bệnh lý mạn tính hoặc chấn thương. Vì vậy, để phòng bệnh và phát hiện sớm tràn dịch khớp gối, cần thực hiện một số biện pháp như sau: thăm khám định kỳ khoảng 6 tháng/lần để phát hiện và điều trị tích cực các bệnh lý mạn tính như thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp hay gút. Dùng thuốc điều trị các bệnh lý là nguyên nhân gây tràn dịch khớp gối, đeo nẹp gối khi cần thiết theo yêu cầu điều trị.
Bệnh nhân cần chú ý luyện tập khỏe khối cơ đùi vì cơ đùi khỏe là yếu tố quan trọng hỗ trợ cho vận động khớp gối, nếu cơ đùi yếu thì gối nhanh bị mỏi, dễ chấn thương. Tập các bài tập mềm dẻo cho gối theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Những người béo phì hoặc thừa cân cần tập luyện để giảm cân và thực hiện chế độ ăn ít năng lượng, nhiều rau và chất xơ.
Nguồn Suckhoedoisong.vn
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !