Covid-19 kích thích giải phóng cytokine, một loại hormone gây viêm nhiễm. Cytokine dẫn đến sự hình thành của một loại prostaglandin gọi là E2, kích hoạt tất cả các thụ thể đau trong cơ thể.
Covid-19 là bệnh một nhiễm virus đường hô hấp với các triệu chứng đặc trưng như sốt, ho, gai rét, mệt mỏi. Tuy nhiên, nhiều người cũng cho biết họ bị đau nhức cơ thể, đặc biệt ở vùng thắt lưng sau khi nhiễm SARS-CoV-2.
Tiến sĩ Charu Dutt Arora, chuyên gia về Covid-19, Viện Y khoa châu Á cho biết, đau lưng là một trong những triệu chứng rất phổ biến của Covid-19.
“Hầu hết mọi người cho rằng SARS-CoV-2 chủ yếu là một virus đường hô hấp và chỉ gây nhiễm trùng phổi, nhưng có nhiều nghiên cứu tại phương Tây cho thấy có 63% bệnh nhân nhiễm chủng Delta và 42% nhiễm chủng Omicron được báo cáo có đau lưng như một trong những triệu chứng chính”, ông cho biết.
Ba vùng trên cơ thể mà họ cảm thấy đau nhiều nhất khi mắc Covid-19 là đầu, thắt lưng và cơ. Đau cơ chủ yếu xảy ra quanh vùng khớp gối.
Đau lưng do viêm nhiễm
Theo Tiến sĩ Arora, Covid-19 kích thích giải phóng ra chất cytokine, một loại hormone gây viêm nhiễm. Cytokine dẫn đến sự hình thành một loại prostaglandin (là axit béo không bão hòa ở các mô, có vai trò như một chất trung gian hóa học của quá trình đau và viêm) gọi là PGE2, chất này kích hoạt tất cả các thụ thể đau trong cơ thể.
“Đây giống như một đường dẫn tín hiệu từ các cytokine đến prostaglandin E2, chất này tiếp tục kích hoạt cơn đau. Đó là lý do tại sao ba vùng trên bị đau trong Covid-19”, ông Arora giải thích.
Theo ông Thomas McNally, giám đốc y khoa Trung tâm Cột sống, thuộc Trung tâm Chỉnh hình và Phẫu thuật Robot Hỗ trợ Chicago tại Bệnh viện Weiss, Mỹ, dù các biến chủng trước gây viêm nghiêm trọng ở phổi, tình trạng viêm có thể xảy ra ở bất kỳ phần nào của cơ thể. Khi viêm diễn ra ở cơ và khớp lưng sẽ dẫn tới đau lưng.
Đau lưng dường như là một triệu chứng nhỏ, nhưng đây cũng có thể là một dấu hiệu cảnh báo về vấn đề lớn hơn nếu cơn đau kéo dài hơn vài ngày, dù có liên quan đến Covid-19 hay không.
“Sốt cao kéo dài có thể là do nhiễm trùng ở cột sống. Sốt có thể là một phần của Covid-19, nhưng vẫn cần theo dõi chặt chẽ”, McNally nói. Ngoài ra, các triệu chứng khác cần chú ý là suy giảm chức năng bàng quang hoặc ruột, tê chân. Nếu có bất kỳ triệu chứng nào trong số này, người bệnh nên đi khám càng sớm càng tốt.
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Đau lưng do thay đổi lối sống
Bên cạnh viêm nhiễm, đại dịch cũng làm gia tăng bệnh đau lưng do thay đổi lối sống.
“Nguyên nhân chủ yếu là mọi người học tập và làm việc ở nhà sai tư thế, cả ngày dán mắt vào màn hình tivi và điện thoại. Ngoài ra, chúng ta cũng không còn năng động như trước nữa do phải ở trong nhà suốt thời gian dài”, Colin Haines, bác sĩ phẫu thuật cột sống tại Viện Cột sống Virginia, Mỹ, giải thích. “Để lưng hoạt động bình thường, tất cả các cơ cốt lõi phải hoạt động cùng nhau một cách hoàn hảo, nếu không có thể dẫn đến đau. Bất kỳ cơn đau cơ hoặc mất cân bằng nào đều có khả năng dẫn đến đau lưng và có vẻ như chúng ta đang chứng kiến điều này với Omicron”.
Ông McNally đồng tình với quan điểm trên.
“Chúng ta sinh ra để đi lại. Khi chúng ta không đi lại, dành nhiều thời gian hơn trên giường, chúng ta sẽ dễ bị đau lưng hơn”, McNally nói.
Thực tế, phần lớn cơn đau lưng và cổ trong khi nhiễm Omicron liên quan đến việc người bệnh mệt mỏi dẫn tới ngủ nhiều, nhưng lại nằm ngủ trong tư thế không thoải mái để thích nghi với cơn ho.
Người mắc Covid-19 có thể bị đau lưng trong 4-5 ngày đầu nhiễm bệnh. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Arora, đau lưng là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của “hậu Covid” và có thể kéo dài thậm chí 6-9 tháng sau khi hồi phục. Nguyên nhân chủ yếu là do phản ứng viêm mà virus gây ra.
“Cơn đau kéo dài sau khi hồi phục Covid-19 là tác dụng phụ của cytokine. Bạn có thể tiêu diệt virus trong cơ thể nhưng phản ứng viêm xảy ra trong khi nhiễm bệnh có thể kéo dài tùy vào phản ứng miễn dịch của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân có miễn dịch tốt, họ có thể hết đau sớm hơn và ngược lại”, ông nói.
Cách giảm đau lưng do Covid-19
Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu bị đau lưng kéo dài trong và sau khi mắc Covid-19. Ảnh: Verywellhealth
Nếu bị đau lưng, vận động nhẹ nhàng sẽ là chìa khóa giúp cơ thể thoải mái.
“Bạn nên đi dạo quanh nhà và nên đợi cho đến khi hết triệu chứng rồi mới thực hiện các bài tập thể dục, tránh tác động mạnh lên cơ thể”, ông McNally cho hay.
Vì tình trạng viêm nhiễm có thể lan rộng, McNally khuyên bệnh nhân Covid-19 nên dùng thuốc chống viêm không kê đơn. Trong đó, Ibuprofen đã được chứng minh là giúp giảm đau và viêm do nhiễm Covid-19 mà không gây tác dụng xấu.
Tiến sĩ Arora khuyến cáo bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bị đau lưng dai dẳng trong và sau khi mắc Covid-19. Người bệnh nên tránh các bài tập thể chất nặng và vận động theo ‘mô hình bậc thang’ sau khi hồi phục.
“Mô hình này có nghĩa là tăng các hoạt động thể chất của bạn lên 30% sau mỗi hai tuần. Nếu trước khi mắc Covid-19, bạn đi được 100 bước thì giờ bạn nên bắt đầu với 30 bước. Sau hai tuần, hãy tăng lên 60 và lên 90 sau hai tuần sau đó”, ông nói.
Ngoài ra, nên làm xét nghiệm máu 2-4 tuần một lần để kiểm tra nguy cơ viêm nhiễm trong cơ thể. Nên áp dụng các bài tập hít thở sâu có lợi cho cơ lưng và cơ bụng.
Anh Ngọc (Theo Verywellhealth, Indian Express)
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !