(ĐTĐ) – Đẩy tạ, nhảy cao là thứ phải kiêng kỵ tuyệt đối với những người bị gai cột sống, cũng như các môn thể thao bắt cột sống phải chịu một trọng lượng lớn khác.
Gai cột sống là sự phát triển thêm ra của xương trên thân đốt sống, đĩa sụn hay dây chằng quanh khớp. Nguy cơ mắc bệnh tăng theo độ tuổi và nam bị nhiều hơn nữ. Gai cột sống khiến người bệnh rất khó chịu, nhất là cảm giác đau ở vùng thắt lưng, đau vai hoặc cổ do gai tiếp xúc với dây thần kinh, các xương đốt sống khi cử động, đau lan xuống cánh tay, tê chân tay, đôi khi làm giới hạn vận động.
Nguyên nhân “mọc gai”
Theo bác sĩ Nguyễn Hùng, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, gai thường chỉ có chiều dài vài milimét. Phần lớn gai cột sống xuất hiện ở mặt trước và bên, hiếm khi mọc ở phía sau, do đó ít chèn ép vào tủy và rễ thần kinh.
Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến gai cột sống. Đó là viêm khớp cột sống mãn tính. Do quá trình viêm ảnh hưởng đến phần sụn đốt sống, lâu ngày phần sụn này bị hao mòn dần, khiến bề mặt trơn láng của nó trở nên thô ráp, xù xì và hai bề mặt xương tiếp xúc, cọ sát lên nhau. Đến lúc này, cơ thể sẽ có một quá trình tự điều chỉnh để khắc phục hiện tượng trên, nhưng kết quả của quá trình chỉnh sửa lại là sự hình thành gai xương.
Nguyên nhân thứ hai là sự lắng đọng canxi ở các dây chằng, gân tiếp xúc với đốt sống. Trường hợp này thường gặp trong thoái hóa cột sống ở người lớn tuổi, có thể dẫn đến mất cấu trúc và chức năng bình thường của cột sống. Sự thoái hóa có thể xảy ra ở một trong các thành phần cấu tạo của cột sống: xương đốt sống, đĩa sụn, các dây chằng bám quanh khớp. Quá trình thoái hóa làm mất nước (chiếm 80% trong sụn) và biến đổi một số chất, làm sụn khớp dễ bị canxi hóa.
Nguyên nhân thứ 3 là do chấn thương khiến hư hại xương hoặc khớp ở cột sống, và phản ứng của cơ thể để sửa chữa nơi bị tổn thương sẽ dẫn đến sự hình thành gai cột sống. Trong trường hợp này, gai cũng có thể hình thành từ sự lắng đọng canxi ở dây chằng đã dày lên do phản ứng viêm.
Tránh các môn thể dục nặng
Khi bị gai cột sống, bệnh nhân thường thấy đau thắt lưng, đau vai hoặc cổ, lan xuống cánh tay, tê tay…, đôi khi làm giới hạn vận động ở cổ, vai, thắt lưng. Phần lớn gai cột sống gây đau do tiếp xúc với dây thần kinh hoặc các xương đốt sống khi cử động. Khi bị gai cột sống, bác sĩ sẽ khuyên bệnh nhân nên dùng thuốc kết hợp với phương pháp châm cứu, vật lý trị liệu, tập thể dục thường xuyên. Cần hạn chế làm việc nặng như bê vác, tránh tuyệt đối những môn nặng bắt cột sống phải chịu một trọng lượng lớn như đẩy tạ, nhảy cao… nên chơi các môn thể thao nhẹ nhàng như bơi lội, tập aerobic, yoga để giúp giảm sức nặng của cơ thể.
Đặc biệt, những trường hợp đã có dấu hiệu thoái hóa hoặc đã thoái hóa, hoặc được chẩn đoán gai đôi, mỏ gai cột sống lúc tập thể dục không nên vặn người quá mức cần thiết nhất là, hơn nữa cột sống của người cao tuổi không còn mềm mại, dẻo dai, bền chắc như lúc còn độ sung sức, vặn nhiều và sai tư thế sẽ làm lệch cột sống. Các biện pháp mát-xa, vật lý trị liệu bằng hồng ngoại, sóng ngắn, điện xung, tập phục hồi chức năng là các biện pháp áp dụng tốt, không có hại. Chế độ ăn gồm các thức ăn sao cho tránh béo phì, hoặc tăng cân như hạn chế chất béo nhất là mỡ động vật, cần tăng cường ăn rau quả.
Với người cao tuổi, nếu có những triệu chứng đau vùng thắt lưng, ngoài gai cột sống có thể bị đau do một số bệnh của cơ quan khác như sỏi đường tiết niệu đặc biệt là sỏi niệu quản, hội chứng dạ dày – tá tràng, bệnh của phần phụ (nữ giới). Vì vậy, bệnh nhân không nên đoán bệnh và tự ý mua thuốc điều trị”, bác sĩ Mai Trung Dũng, khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện 354. |
Nguồn Baodatviet.vn
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !