(ĐTĐ) – Đại đa số các trường hợp hẹp ống sống thắt lưng là hậu quả của bệnh lí mất vững cột sống thắt lưng. Ở những bệnh nhân này, do sự mất vững liên tiếp làm cho dây chằng vàng và bao khớp bị thương tổn, các sợi nhỏ của dây chằng vàng và bao khớp bị đứt khi người bệnh chuyển động. Phản ứng lành lại của các sợi này làm cho mô xơ sợi xâm nhập vào hệ thống dây chằng vàng và bao khớp. Quá trình này cứ lặp đi lặp lại, rách đứt – lành lại, rách đứt – lành lại… Mỗi lần lành lại, dây chằng lại dầy lên một chút. Hậu quả là dây chằng vàng và bao khớp phì đại, gây chít hẹp lòng ống sống và lỗ liên hợp.
Trong một số trường hợp, các khớp bị viêm hoặc bị các tinh thể muối urate (trong bệnh lí gout) lắng đọng gây phì đại khớp hoặc tạo ra các sùi do sự hóa xương của bao khớp phì đại, góp phần làm chít hẹp lòng ống sống cùng với lỗ liên hợp. Một số ít trường hợp khác, hiện tượng hẹp lòng ống sống bị gia tăng thêm bởi các chồi xương xuất phát từ thân đốt sống (là những “gai” đốt sống).
Hình 1: Hẹp ống sống thắt lưng do thoái hóa.
Khi chuyển động, các khoảng không gian giữa các đốt sống và đường kính của ống sống thay đổi theo mỗi tư thế khác nhau của người bệnh. Kích thước của các khoảng không gian cũng thay đổi lúc lớn, lúc nhỏ. Ví dụ như lỗ liên hợp là một cấu trúc dành cho các rễ thần kinh chui từ trong ống sống ra ngoài cột sống. Bình thường, đường kính của lỗ liên hợp lớn gấp 6 lần đường kính của dây thần kinh, ngoài dây thần kinh, trong lỗ liên hợp chỉ còn lại một tổ chức mỡ rất lỏng lẻo. Mỗi khi người bệnh cử động hoặc di chuyển, lỗ liên hợp bị hẹp theo chiều ngang hoặc theo chiều dọc, xô đẩy rễ thần kinh chạy qua chạy lại trong cái khoảng trống dành cho nó.
Sự chít hẹp lòng ống sống và lỗ liên hợp làm cho các dây thần kinh bị chèn ép và kẹp chặt giữa các cấu trúc cứng hơn nó, làm cho các dây thần kinh không còn chỗ để “né” khi người bệnh cử động, bị bóp chặt và dồn nén vào nhau.
Trong bệnh lí hẹp ống sống thắt lưng do thoái hóa, ngoài chuyện ống sống và lỗ liên hợp bị chít hẹp theo khái niệm “tĩnh”, thì còn một yếu tố “động” khác tác động đến hệ thống thần kinh. Do hẹp ống sống thắt lưng là hậu quả của sự mất vững, các cấu trúc của đĩa đệm và đầu xương của thân đốt sống (gọi là đĩa cuối) bị vỡ ra, tạo thành các khối chèn ép một cách không ổn định, di lệch khi người bệnh di chuyển, thúc ép vào hệ thống dây thần kinh mỗi khi người bệnh di chuyển hoặc cử động. Sự thúc ép này gây ra các phản ứng như tê, đau, yếu, cảm giác bóp nghẹt bắp chân, rút cơ chân khi người bệnh đi bộ, phải nghỉ ngơi một lúc mới đỡ, những phản ứng như vậy, gọi là hiện tượng cách hồi thần kinh (đi – nghỉ, đi – nghỉ…).
Ngoài ra, hẹp ống sống thắt lưng cũng gây ra các triệu chứng giống như thoát vị đĩa đệm thắt lưng, gồm đau thần kinh tọa, tê, giảm hoặc mất cảm giác, yếu hoặc liệt chân, một bên hoặc hai bên. Trường hợp nặng có thể có teo cơ đùi, cơ cẳng chân. Đặc biệt, hẹp ống sống thắt lưng có thể gây ra các triệu chứng của hội chứng chùm đuôi ngựa như tê, giảm hoặc mất cảm giác vùng hội âm, rối loại tiêu tiểu.
Hình 2: Hình ảnh MRI T2 chụp cắt ngang (axial) hẹp ống sống thắt lưng, có diễn giải.
Bệnh lí hẹp ống sống thắt lưng là một bệnh lí liên quan nhiều đến tuổi tác, thường gặp ở người bệnh trên 50 tuổi. Ở lứa tuổi từ 50 đến 70 – 75 tuổi, sự mất vững còn tồn tại ở hầu hết các trường hợp. Tuy nhiên, khi bước qua tuổi này, trong nhiều trường hợp, các đốt sống mất vững tự dính lại với nhau thông qua các cầu xương, làm giảm đi tính phức tạp của bệnh.
Đa số các trường hợp hẹp ống sống thắt lưng chỉ gây những đợt đau thắt lưng, có hoặc không có tê chân kèm theo. Những đợt đau có hoặc không có kèm theo tê này có thể giảm đi sau một đợt điều trị bằng các thuốc kháng viêm, giãn cơ, giảm đau và tập vật lí trị liệu. Thỉnh thoảng lại tái phát đau hoặc tê. Rất nhiều người chung sống với bệnh nhiều năm, khi nào đau lại uống thuốc và tập. Đối với những người này, việc tập luyện, bảo đảm cho khối cơ cạnh sống luôn được hoạt động có tác dụng làm giảm bớt thời gian và cường độ đau.
Tiêm thấm được áp dụng thường xuyên hơn cho những người bệnh hẹp ống sống thắt lưng. Nhiều bệnh nhân đáp ứng với tiêm thấm rất tốt, tuy nhiên, sau vài tháng, số người bị đau tái phát cũng khá cao. Tùy theo báo cáo, người ta cho rằng có tới 50% số người bệnh bị tái phát đau trong một năm đầu sau khi tiêm thấm lần đầu tiên. Việc tiêm thấm những liều tiếp theo thường được áp dụng, nhưng ít bác sĩ nào chỉ định tiêm thấm cho cùng một vị trí quá 3 lần.
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Hình 3: Hình sơ đồ vẽ lại từ hình MRI ở hình 2.
Khi hẹp ống sống thắt lưng gây ra các thương tổn thần kinh hoặc hiện tượng cách hồi thần kinh làm ảnh hưởng đến chức năng đi lại của người bệnh, chỉ định mổ được đặt ra. Giống như trong trường hợp mất vững cột sống, mục đích của cuộc mổ là giải ép, đồng thời làm vững lại cột sống. Việc cố định nẹp vít không phải là mục tiêu của cuộc mổ nhưng là điều kiện cần để xương ghép mọc ra và hàn cứng các đốt sống.
Ngay cả những trường hợp trước mổ mất vững không nhiều cũng cần phải được ghép xương làm cứng cột sống, vì quá trình giải ép thường phải lấy đi các bao khớp và dây chằng phì đại, đĩa đệm, sụn và xương ở đĩa cuối, từ đó phá vỡ sự ổn định tạm thời do các cấu trúc phì đại mang lại, gây ra hiện tượng mất vững nặng hơn sau mổ nếu không được hàn xương làm cứng khi mổ.
BS. Võ Xuân Sơn
Phòng khám Quốc tế EXSON
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !