(ĐTĐ) – Những vết bầm tím thông thường có thể được điều trị dễ dàng tại nhà nếu bạn thực hiện sơ cứu đúng phương pháp.
Chấn thương thường gặp
Té ngã khi đi xe máy, va vấp vào các vật dụng trong nhà hoặc va chạm khi chơi thể thao… có thể dễ dàng làm bạn bị bầm dù đôi khi “tai nạn” chưa kịp gây đau đớn. Các vết bầm thường trông chẳng thuận mắt, nhất là khi chúng lại xuất hiện trên đôi chân nõn nà của một thiếu nữ xinh đẹp.
Theo BS Tô Minh Châu (Hội Y học thể thao TP.HCM), bầm là cách gọi dân gian để chỉ những chấn thương phần mềm tương đối nhẹ, không tổn thương da nhiều; gân, cơ, xương cũng chưa bị ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên vẫn có hiện tượng tổn thương phần mềm, mao mạch, gây viêm, sưng, đau, chảy máu trong mô mềm, gây ra tình trạng bầm tím.
Vết tím bầm do chấn thương
Các chấn thương gây ra vết bầm thay đổi tùy theo độ tuổi. Nếu cần phải có một lực tác động khá mạnh mới gây ra vết bầm ở em bé, chỉ cần những va chạm nhẹ cũng có thể khiến người lớn tuổi thâm tím mình mẩy. Điều này do các mạch máu trở nên dễ vỡ hơn khi con người tuổi cao. Theo thông tin đăng tải trên tạp chí Reader’s Digest, thông thường cần phải mất từ 10-14 ngày để một vết bầm tự động nhạt dần. Tuy nhiên, vẫn có cách tác động để chúng mau phai.
Nhẹ nhưng cần xử lý đúng
Để điều trị vết bầm hữu hiệu nhất, cần phải xử lý khi nó còn là một vết đỏ. Ngay khi bị va đập vào bất cứ phần nào trên cơ thể, hãy nhanh chóng chườm đá lên vùng đang đau nhức từ 5-10 phút. Nên chườm nhiều lần, giữa những lần chườm phải cách nhau khoảng 1 giờ. Đá giúp các mạch máu, mô bị dập do chấn thương co rút lại và từ đó giảm tình trạng xuất huyết dưới da và làm bớt sưng. Cần nhớ là không chườm đá trực tiếp lên da mà hãy quấn đá vào một chiếc khăn trước khi chườm. Trong trường hợp các vỉ đá sạch trơn, có thể lấy bất cứ vật thể nào đang đông đá như thố kem, tảng thịt để thay thế. Bạn cũng có thể lấy khăn mặt nhúng vào nước lạnh và sau đó đặt lên chỗ đau. Ngoài ra, có một cách tạo ra túi chườm đá ngay tại nhà. Hãy đổ 2 ly nước vào chiếc túi có thể niêm kín. Xong đặt túi vào ngăn đá và để sẵn đó.
Cần tránh bóp nắn, xoa dầu và đặc biệt là không nên dùng thuốc tan máu bầm hoặc bôi mật gấu quá sớm (trong 24 giờ đầu tiên sau khi bị va chạm) vì có thể gây chảy máu nhiều thêm, sẽ làm tăng hiện tượng sưng, bầm.
Nếu vết bầm tím bao phủ một phần lớn chân hoặc tay, nên giữ cao phần chân/tay đó trong 24 giờ đầu kể từ khi bị chấn thương. Có thể dùng thuốc để giảm đau. Tuy nhiên, cần hỏi ý kiến bác sĩ vì có một số loại thuốc ngăn cản tình trạng máu vón cục và có thể kéo dài tình trạng xuất huyết.
Bị bầm không phải là một chấn thương nặng nên thường sẽ hồi phục nhanh và không gây cản trở cho sự hoạt động của bạn. Tuy nhiên, nếu xử lý theo đúng phương pháp mà sau 2-3 ngày vẫn không thuyên giảm, còn đau nhức nhiều thì bạn cần đến khám tại các BS chuyên khoa cơ-xương-khớp.
Nguồn Thanhnien.com.vn
Originally posted 2010-12-12 06:10:41.
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !