(ĐTĐ) – Các bác sỹ tại Bỉ lần đầu tiên công bố kỹ thuật cho phép tái tạo xương từ tế bào gốc trong mỡ của bệnh nhân. Phương pháp này mang tính đột phá bởi nó có thể được áp dụng dễ dàng, rộng rãi mà hiệu quả lại cao hơn so với các phương pháp tái tạo xương hiện nay.
Trong nhiều năm qua, để điều trị gãy xương, các bác sỹ thường lấy tế bào gốc từ tủy xương rồi tiêm chúng trở lại cơ thể. Tuy nhiên, phương pháp này không phải lúc nào cũng đem lại kết quả thành công cho tất cả các bệnh nhân.
Kỹ thuật mới để tái tạo mô xương của các bác sỹ thuộc Bệnh viện Đại học Saint Luc (Bỉ) có thể khắc phục được nhiều nhược điểm của phương pháp điều trị gãy xương hiện nay. Theo kỹ thuật mới, các bác sỹ chỉ cần dùng một kim tiêm nhỏ để lấy mô mỡ có kích thước bằng hạt đường từ bụng bệnh nhân. Tế bào gốc sau đó được tách ra và được biến đổi thành tế bào xương trong phòng thí nghiệm.
So với việc sử dụng những chiếc kim tiêm to để lấy tế bào gốc từ tủy, phương pháp lấy tế bào gốc từ mô mỡ sẽ giảm bớt rủi ro, dễ thực hiện hơn mà lượng tế bào gốc từ mô mỡ còn nhiều hơn 500 lần so với mô tủy.
Ông Denis Dufrane, Đại học Saint Luc, Bỉ cho biết: “Phương pháp mới này của chúng tôi có thể củng cố và tái tạo xương cho các bệnh nhân mắc các khiếm khuyết về xương khác nhau. Và, chúng tôi hy vọng kỹ thuật này sẽ được đưa vào các phòng cấp cứu để có thể khôi phục lại xương ngay khi bệnh nhân bị chấn thương nào đó”.
Với phương pháp mới này, các bác sỹ có thể tái tạo mô xương hoàn chỉnh và mô xương này làm tăng cơ hội hình thành xương sau khi được cấy ghép vào cơ thể bệnh nhân. Đặc biệt, kỹ thuật này cũng được hy vọng sẽ chữa trị được cho những trẻ em bị mắc bệnh ung thư xương.
Hiện nay đã có 11 bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp mới này và kết quả ghi nhận được rất khả quan.
Nguồn Vtv.vn
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !