(ĐTĐ) – Ngày 28/6/2007 Bộ Y tế đã ra chỉ thị 03 giao cho Trung tâm Phục hồi chức năng Bệnh viện Bạch Mai chịu trách nhiệm tham mưu cho Bộ Y tế trong chỉ đạo chuyên môn, phát triển chuyên ngành Phục hồi chức năng ở Việt Nam. Sau 1 năm thực hiện chỉ thị 03, ngày 6/10/2008 Cục quản lý khám chữa bệnh Bộ y tế và Bệnh viện Bạch mai đã tổ chức hội nghị “Tăng cường công tác chỉ đạo tuyến về chuyên ngành Phục hồi chức năng”
Cập nhật 7/10/2008
Lãnh đạo Bộ y tế, Cục quản lý khám chữa bệnh, Bệnh viện Bạch mai và Hội Phục hồi chức năng tại Hội nghị |
Dự Hội nghị có hơn 300 đại biểu đại diện cho các sở y tế, các bệnh viện, và các đơn vị phục hồi chức năng trong cả nước. TS Nguyễn Thị Xuyên thứ trưởng Bộ y tế và TS. cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh chủ trì Hội nghị.
Báo cáo của Cục quản lý khám chữa bệnh đã khẳng định PHCN là một trong 3 nhiệm vụ của Y tế (gồm Phòng bệnh, Chữa bệnh và PHCN); người khuyết tật có quyền được chăm sóc và nhận được sự hỗ trợ, trợ giúp của Nhà nước. Trong những năm qua, mạng lưới PHCN đã được kiện toàn từ trung ương đến địa phương. Ở tuyến trung ương có Trung tâm Phục hồi chức năng Bệnh viện Bạch Mai (được thành lập tên cơ sở Khoa Phục hồi chức năng trước đây) và Bệnh viện Điều dưỡng PHCN trung ương (tại Sầm Sơn Thanh Hoá). 100% bệnh viện đa khoa trung ương có Khoa PHCN. Ở tuyến tỉnh và ngành đã có 34 bệnh viện Điều dưỡng PHCN được thành lập, 92% bệnh viện đa khoa có khoa VLTL-PHCN, có 22 trung tâm, cơ sở PHCN của ngành. Ở tuyến huyện có 35% BV huyện có khoa VLTL-PHCN ghép với YHCT,tuyến xã đã có chuẩn y tế quốc gia xã có PHCN. Công tác PHCN dựa vào cộng đồng đã được triển khai đầu tiên từ năm 1987 ở Tiền Giang, đến nay đã triển khai ở 46 tỉnh/thành, tuy nhiên chưa nhận được sự quan tâm, đầu tư đúng mức. Trong đào tạo nguồn nhân lực đến nay 100% các trường Đại học Y đã có bộ môn PHCN tuy nhiên chưa hấp dẫn người học, cán bộ Phục hồi chức năng còn thiếu. Hiện đội ngũ cán bộ làm công tác PHCN trung bình mỗi tỉnh chỉ có 4-5 bác sĩ và 21 kỹ thuật viên chuyên khoa PHCN. Trang thiết bị cho chuyên ngành này cũng rất thiếu và lạc hậu. Đặc biệt một số bệnh viện điều dưỡng- PHCN không có nguồn thu từ viện phí và BHYT hoặc có nguồn thu rất ít như: BVĐD-PHCN Nam Định, Bình Định, Lào Cai, Gia Lai… Với mục tiêu đẩy mạnh công tác PHCN, Bộ Y tế sẽ tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho chuyên ngành này. Phấn đấu đến năm 2010 thành lập được Viện PHCN trung ương, 70% số tỉnh, thành phố có bệnh viện Điều dưỡng- PHCN, 100% BVĐK tuyến tỉnh có khoa Vật lý trị liệu- PHCN.
Tham luận tại hội nghị, Trung tâm PHCN Bạch Mai đã tổng kết công tác chỉ đạo tuyến về chuyên ngành PHCN trong thời gian qua như: Tham gia chỉ đạo phòng ngừa tàn tật và PHCN cho tất cả các cơ sở điều trị bệnh nhân Phong trong cả nước. Tham gia giảng dậy và triển khai Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng từ năm 1987 đến nay ở tất cả các tỉnh. Năm 2008 đã đào tạo tại Trung tâm 69 người, chuyển giao kiến thức và kỹ thuật phục hồi chức năng cho 10 tỉnh. Cử cán bộ chuyên môn hỗ trợ cho tuyến dưới theo chỉ đạo của Bệnh viện Bạch Mai theo hình thức chuyển giao kiến thức và kỹ thuật: hỗ trợ về PHCN cho Tuyên Quang, phục hồi chức năng xơ hoá cơ delta cho 4 tỉnh. Trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục đa phương hoá, đa dạng hoá các hình thức tập huấn và đào tạo, hướng tới cộng đồng, tổ chức các lớp tập huấn về PHCN chung và PHCN chuyên sâu, cử cán bộ chuyên môn hỗ trợ cho tuyến dưới theo yêu cầu của Bệnh viện tuyến dưới và chỉ đạo của Bệnh viện Bạch Mai theo hình thức chuyển giao kiến thức và kỹ thuật.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, TS. Nguyễn Thị Xuyên nêu rõ tầm quan trọng của PHCN như là một trong 3 bộ phận cấu thành của nền y tế. Thứ trưởng khẳng định trong thời gian tới chuyên ngành PHCN sẽ nhận được nhiều sự quan tâm của lãnh đạo Bộ và chỉ thị cho Cục quản lý khám chữa bệnh tiếp tục rà soát sửa chữa, bổ sung các văn bản pháp quy trong quản lý nhà nước đối với chuyên ngành để tạo điều kiện cho PHCN phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !