(ĐTĐ) – Nhiều bệnh nhân ở vùng cao Quảng Ngãi bị tai nạn lao động như sập hầm đào vàng, cây ngã đè, rơi từ trên cao xuống đá… phải võng đến bệnh viện khiến bệnh tình nặng hơn, phải bán thân bất toại.
Nằm trên giường bệnh sau ca phẫu thuật, anh Phạm Văn Chí (32 tuổi) quê ở thôn Kon Riêng, xã Ba Trang, huyện miền núi Ba Tơ, khó thể tin nổi đôi chân từng ngang dọc khắp núi rừng của mình giờ đành chịu cảnh tàn phế.
Trong lúc thu hoạch keo thuê, anh Chí cầm lốc máy cưa bất ngờ bị vướng cây keo dại trong rừng nên ngã, cây đè sau lưng ngất xỉu. Những người làm việc chung đã dùng xe máy chở anh Chí vượt hàng chục cây số đường đèo dốc đến Bệnh viện đa khoa Đặng Thùy Trâm sơ cứu, sau đó chuyển đến Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi.
Sau khi chụp phim, Citi cắt lớp, các bác sĩ kết luận: anh Chí chấn thương ngực, tràn máu màng phổi, dẫn lưu ngực, vỡ đốt sống ngực, chèn ép tủy gây liệt hai chi dưới.
Bệnh nhân chấn thương cột sống cần được vận chuyển bằng cáng cứng (Ảnh Internet)
Một trường hợp khác là ông Hồ Văn Phước (41 tuổi) ở xã Trà Thanh, huyện miền núi Tây Trà – là trụ cột, lao động chính trong gia đình đông con. Dân làng nơi đây từng ví ông Phước có sức khỏe trời cho, lao động suốt ngày trên rẫy, trên rừng không biết mệt mỏi là gì. Ấy vậy mà trong một lần cầm đuốc leo lên một thân cây cổ thụ sừng sững bên bìa rừng để thu mật ong, khói xông vào mắt chịu không nổi nên ông buông tay rơi xuống suối đá lởm chởm bên dưới, chấn thương nặng.
Người dân địa phương đã dùng võng dù khiêng ông Phước băng rừng, vượt suối hàng giờ liền để đến cơ sở y tế sơ cứu, sau đó chuyển lên bệnh viện tỉnh cấp cứu. Ông Phước chấn thương ngực, vỡ xẹp đốt sống, chèn ép thủy. Mặc dù đã trải qua ca phẫu thuật nhưng do tủy bị chấn thương nặng, hai chân người đàn ông này bị liệt vĩnh viễn.
Hầu hết vụ tai nạn lao động của người gặp nạn ở các huyện vùng cao Quảng Ngãi để lại di chứng nặng nề. Theo thống kê của Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi, từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận cấp cứu hàng chục trường hợp tai nạn lao động chấn thương vùng ngực, cột sống lưng – thắt lưng, vỡ đốt sống lưng. Phần lớn nạn nhân nhập viện trong tình trạng bị thương quá nặng, sau phẫu thuật di chứng liệt nửa người.
Trao đổi với VnExpress.net chiều nay, bác sĩ Trương Đình Thống, Trưởng Khoa ngoại thần kinh, Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi khuyến cáo, để giảm thiểu rủi ro bị liệt vĩnh viễn sau tai nạn lao động, cần phải sơ cấp cứu nạn nhân đúng cách. Cụ thể: cho nạn nhân nằm trên ván hoặc cáng thương, tuyệt đối không được cõng, dùng võng khiêng.
“Nếu nằm võng hoặc cõng thì cột sống vùng gãy bị gập lại, chèn ép tủy sống làm đứt, dập tủy. Dù phẫu thuật, giải ép tủy, bắt vít cột sống có thành công hoàn hảo đến mấy cũng không thể tránh được liệt vĩnh viễn”, bác sĩ Thống nói.
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Nguồn VnExpress.net
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !