(ĐTĐ) – Các nhà khoa học Hà Lan đã có ý tưởng phát triển 1 loại robot có thể giúp những bệnh nhân đột quỵ tăng cường khả năng vận động và giúp họ nhớ cách đi lại sau khi bị đột quỵ hoặc bị chấn thương cột sống.
Bà Petra Hes là một trường hợp bị đột quỵ khi mới 17 tuổi. Bà đã trải qua nhiều năm tập vật lý trị liệu nhưng vẫn không thể nhấc và gập chân dù bà đã từng làm được. Các nhà khoa học tại trường đại học Twente ở Hà Lan đang giúp bà đi trở lại với đôi chân robot mang tên LOPES.
“Bộ chân robot” LOPES hứa hẹn giúp cải thiện khả năng đi lại cho bệnh nhân. (Ảnh: Khoa học)
Sau một thời gian sử dụng đôi chân LOPES, bà Petra Hes chia sẻ.”Tôi cảm thấy đầu gối cùa tôi như rời ra nhưng đôi chân robot đã giúp nhấc đầu gối của tôi lên. Nó thật khác biệt so với những khi tôi không mang đôi chân robot, bởi vì đầu gối của tôi rất cứng và bước đi của tôi không được xa. Nhưng khi tôi mang đôi chân robot này, tôi đã đi lại được như bình thường. Tôi không thể miêu tả được khoảnh khắc tuyệt vời đó”.
Đôi chân robot được thiết kế nhằm giúp các bệnh nhân đột quỵ tăng cường khả năng vận động và nhắc họ nhớ lại cách đi lại sau khi bị đột quỵ. Đôi chân robot còn có thể được điều chỉnh cho phù hợp với bệnh nhân.
Ông Edwin Van Asseldonk, Trường đại học Twente Hà Lan cho biết: “Đi bộ rất quan trọng trong việc duy trì thăng bằng. Điều bạn cần là đặt bàn chân vào vị trí thích hợp, tuy nhiên một số người không thể nhấc chân lên được. Khi họ dùng đôi chân robot, họ có thể cảm nhận được chân đã không được nâng đúng cách và đôi chân robot sẽ tạo một lực mômen xoắn để hỗ trợ họ”.
Hiện, đôi chân robot đang được thử nghiệm trên các bệnh nhân bị đột quỵ, tổn thương cột sống, bệnh đa xơ cứng, bệnh Parkinson và được kỳ vọng sẽ có mặt tại các trung tâm phục hồi chức năng trên toàn thế giới vào đầu năm tới. Không dừng lại ở đó, các nhà khoa học hy vọng trong tương lai, họ sẽ sử dụng những dữ liệu từ đôi chân robot để phát triển bộ xương có thể giúp những người bị liệt đi lại được.
Nguồn Vtv.vn
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !