I. Các yếu tố tham gia quá trình vận động.
1. Thần kinh vận động.
– Trung khu vận động trên vỏ não: nằm ở vùng trước rãnh Rolando, điều khiển vận động chủ động, các neuron thần kinh từ vùng này cho các sợi trụ đi xuống tạo thành các bó tháp. Tại hành não, bó tháp chia thành hai bó:
+ Bó tháp chéo gồm 90% bắt chéo sang bên kia để đi xuống tủy sống.
+ Bó tháp thẳng gồm 10% còn lại vẫn đi ở cùng bên đến các tế bào vận động tủy sống rồi cũng bắt chéo sang bên kia.
– Các trung khu vận động dưới vỏ: gồm các nhân xám nằm ở vùng dưới vỏ như cuống não, hành não, thân não điều khiển vận động không tự chủ, điều hòa trương lực cơ, chi phối phản xạ thăng bằng, phản xạ tư thế và bản thể. Các neuron từ đây cho sợi trục đi xuống tạo thành các bó ngoại tháp.
– Tủy sống: các neuron vận động tủy sống nằm ở sừng trước, nhận thông tin truyền đến từ các sợi dẫn truyền vận động từ não, hay từ các tế bào cảm giác ở hạch gai chuyển đến, rồi cho các sợi trục đi ra tạo nên rễ vận động (rễ trước) của dây thần kinh tủy sống.
– Thần kinh ngoại vi: bắt nguồn từ các dây thần kinh tủy sống, đa số các dây thần kinh ngoại vi đều là dây hỗn hợp (cảm giác và vận động). Phần vận động có chức năng dẫn truyền xung động chỉ huy từ trung ương đến gây co cơ.
2. Hệ cơ.
– Cơ là cơ quan đáp ứng đối với các tín hiệu từ trung ương và ngoại vi bằng cách co lại tạo ra các động tác thích ứng.
– Sự co cơ gồm có hai loại:
+ Co cơ đẳng trường: cơ co tăng lực nhưng không rút ngắn (gồng cơ), còn gọi là co cơ tĩnh.
+ Co cơ đẳng lực: lực cơ không thay đổi nhưng cơ rút ngắn lại đề tạo ra sự chuyển động, còn gọi là co cơ động.
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
3. Xương.
– Xương và cơ phối hợp với nhau như một hệ thống lực – đòn bẩy tạo nên vận động. Xương là chỗ bám của gân cơ gồm đầu nguyên uỷ và đầu bám tận, vì vậy sự vận động bị giới hạn bởi khung xương. Trong một số trường hợp, cơ xương phân bố thành từng cặp chủ vận và đối kháng, sự sắp xếp này rất cần thiết vì cơ chỉ có lực kéo mà không có lực đẩy.
4. Khớp.
Cấu tạo một khớp gồm các thành phần cơ bản sau:
– Diện khớp:
+ Các đầu xương: thường cấu tạo bởi tổ chức xương xốp, có hình dạng thích hợp để có thể trượt lên nhau dễ dàng.
+ Sụn viền: là một lớp sụn mỏng viền xung quanh các đầu xương, sụn viền khi bị thoái hoá sẽ gây đau và làm khớp hạn chế vận động.
+ Khe khớp: là khe giữa hai đầu xương, chứa dịch khớp làm trơn khớp.
– Phương tiện nối khớp:
+ Bao khớp: bọc xung quanh khớp, mặt trong có bao hoạt dịch bám vào. Bao hoạt dịch là nơi xuất tiết và chứa dịch khớp.
+ Các dây chằng: là tổ chức liên kết rất vững chắc, là phương tiện nối khớp quan trọng.
– Các yếu tố liên quan: gồm gân, cơ, thần kinh, da…
5. Yếu tố tâm lý.
Yếu tố tâm lý tuy không tham gia trực tiếp trong vận động nhưng nó ảnh hưởng đến thái độ tập luyện và mức độ hợp tác của người bệnh với thầy thuốc trong quá trình điều trị vận động, dó đó ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả điều trị.
Originally posted 2011-01-14 09:52:09.
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !
- 1
- 2