SKĐS – Sử dụng thảo dược đang là xu hướng trong chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh được cho là tự nhiên, an toàn, lành tính, đặc biệt phù hợp với trẻ nhỏ.
Tuy nhiên, hiện nay việc sử dụng thảo dược ở nước ta ra sao, có những cản trở gì?… Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên Trưởng khoa nhi – Bệnh viện Bạch Mai.
PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng
PV: Thưa PGS, xin ông cho biết một số vấn đề về sức khỏe thường gặp ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ?
PGS. TS. Nguyễn Tiến Dũng: Trẻ em có hệ thống các cơ quan như miễn dịch, tiêu hóa, hô hấp, vận động… chưa hoàn thiện, là đối tượng tấn công của nhiều tác nhân gây bệnh và cũng là đối tượng biểu hiện của nhiều triệu chứng bệnh lý cấp tính và mạn tính. Đau bụng chức năng, biếng ăn, ho kéo dài, quấy khóc đêm, táo bón… trở thành những biểu hiện rất thường gặp ở trẻ em.
Một tình trạng khác rất thường gặp ở trẻ là đau bụng chức năng. Có tới trên 50% trẻ em gặp phải tình trạng rối loạn tiêu hóa, đau bụng chức năng. Nguyên nhân thường thấy nhất là tình trạng đầy hơi trong đường tiêu hóa. Nhiều trẻ mặc dù đã sử dụng simethicon và một số thuốc giảm đầy bụng, chướng hơi khác mà cũng không thấy triệu chứng thuyên giảm. Như vậy, có thể còn có những nguyên nhân khác gây ra tình trạng trên, mặc dù không gây nguy hiểm gì cho trẻ, nhưng cũng là điều phiền phức cho các bậc cha mẹ mà hiện nay chúng ta còn chưa biết rõ.
Táo bón ở trẻ em thường do nhiều nguyên nhân, tuy nhiên, cơ bản và phổ biến nhất là do hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện. Chính vì vậy, sử dụng các biện pháp an toàn kéo dài để hỗ trợ giúp trẻ đi tiêu dễ dàng và giúp hoàn thiện chức năng của hệ tiêu hóa trẻ là biện pháp thích hợp nhất. Tuy nhiên, cũng còn một số trẻ mặc dù đã được sử dụng các loại thuốc thụt tháo, các loại thuốc nhuận tràng, các chất xơ, thay đổi chế độ ăn và sinh hoạt… nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề. Trong trường hợp này chúng tôi thường xếp vào nhóm táo bón không rõ nguyên nhân và tình trạng này khiến không ít phụ huynh và các chuyên gia y tế đau đầu.
PV: Xin ông cho biết tại bệnh viện, trẻ có thường được điều trị bệnh bằng các loại thuốc có nguồn gốc từ thảo dược không? Vì sao?
PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng: Tùy theo từng bệnh nhi và tùy theo từng loại bệnh trẻ mắc phải mà chúng tôi điều trị bằng thuốc tân dược hay thuốc có nguồn gốc từ thảo dược. Có những trẻ lại chỉ dùng được thuốc thảo dược, có trẻ lại không.
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
PV: Ông nghĩ gì về việc sử dụng thảo dược để điều trị bệnh cho trẻ nhỏ?
PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng: Trong chuyên ngành hô hấp, triệu chứng ho của trẻ làm cha mẹ băn khoăn. Ho do virut, thường tự khỏi nhưng có trường hợp ho kéo dài, ho về đêm, nôn thứ phát sau ho khiến trẻ thức giấc làm cha mẹ mệt mỏi khi phải chăm sóc trẻ về đêm. Điều trị ho thì việc chữa triệu chứng ho rất quan trọng. Để điều trị, thuốc tây y có những thuốc đặc trị: thuốc kháng histamin, long đờm… nhưng có khi không hiệu quả hoặc đôi lúc còn có một số tác dụng phụ nếu chỉ định không đúng hoặc uống quá liều. Có nhiều bà mẹ lại cho con uống kháng sinh dù kháng sinh không chữa được ho, thậm chí còn kéo dài thêm bệnh. Có thể chữa theo kinh nghiệmdùng thảo dược tại địa phương để chữa cho trẻ bị ho do cảm lạnh hoặc cảm cúm thông thường là: hoa hồng hấp đường, húng chanh, quất… và kết quả rất tốt. Tuy nhiên, cho đến nay đã có công nghệ điều chế để cho ra các thành phẩm từ thảo dược là các thuốc đóng chai với ưu điểm là đảm bảo vệ sinh, đủ liều lượng giúp cho việc điều trị ho cho trẻ trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn.
Ở nhiều nước trên thế giới như Nhật, Đức, Italia… cũng đã có nhiều sản phẩm dân gian, có sản phẩm từ cây cỏ. Tuy nhiên những sản phẩm này cũng phải rất sạch theo đúng nghĩa: từ vùng đất trồng dược liệu sạch, thu hái, bảo quản và chế biến an toàn trong toàn bộ dây chuyền sản xuất….
PV: Còn ở nước ta thì sao, thưa ông?
PGS. TS. Nguyễn Tiến Dũng: Sử dụng thảo dược là cách chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh tự nhiên, an toàn, lành tính, đặc biệt phù hợp với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, với 80 – 90% nguyên liệu thuốc thảo dược đang được nhập khẩu từ nước ngoài mỗi năm theo đường tiểu ngạch thì rất khó để kiểm soát chất lượng. Ngay cả những loại dược liệu hiện nay do tình trạng ô nhiễm môi trường có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng: Đất bị ô nhiễm, dầu thải ra từ các khu công nghiệp, cống rãnh (kim loại nặng, vi khuẩn)… Nếu dùng thảo dược trồng ở những nơi này để làm thuốc điều trị bệnh có thể nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.
Tại bệnh viện, gần đây chúng tôi đã phải điều trị cho nhiều trường hợp trẻ bị ngộ độc chì do thuốc cam (nguồn gốc thảo dược). Trẻ ngộ độc chì có thể bị co giật, ảnh hưởng đến thần kinh, cấp tính ảnh hưởng đến tính mạng. Ngộ độc mạn tính kim loại nặng như chì có thể làm trẻ chậm phát triển, không lớn được, còi cọc. Ngay cả việc theo kinh nghiệm dân gian, trước đây các trẻ sơ sinh thường được các bậc cha mẹ cho tắm nước lá cho sạch da, hết “chất gây”… nhưng gần đây có nhiều trường hợp trẻ tắm nước lá bị dị ứng, bị viêm da, lở loét mà phải đến cấp cứu tại bệnh viện. Những trẻ này, chúng tôi nghĩ đến là do các lá cây mà trẻ dùng không được sạch như trước kia do có thể đã được mọc hoặc trồng ở những vùng đất bị ô nhiễm.
Hãy để trẻ được sống trong môi trường an toàn.
PV: Theo ông, nguyên nhân của tình trạng này là gì?
PGS. TS. Nguyễn Tiến Dũng: Theo tôi, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là nguyên liệu đầu vào của thảo dược chưa được sạch, chưa được an toàn. Đầu vào mà ô nhiễm, không đảm bảo chất lượng thì rất khó có sản phẩm sạch. Đã có một thời gian dài, chúng ta chỉ kiểm tra đầu ra chứ không kiểm tra nguồn gốc đầu vào, quy trình xưa đã lỗi thời. Giờ đây, không chỉ kiểm tra đầu ra mà cần phải siết chặt kiểm tra đầu vào, nguyên liệu vào như thế nào…
Bên cạnh đó, việc chỉ chạy theo năng suất trồng cây, cây có thể nhanh lớn, xanh tốt mà không chú trọng chất lượng thì có thể khiến thảo dược bị ô nhiễm, chứa chất độc. Chẳng hạn như muốn cây lá thuốc phát triển nhanh mà bón nhiều phân đạm hóa học sẽ dẫn đến các lá hoặc quả làm thuốc chứa nhiều dư lượng nitrat, một chất có thể gây ung thư.
PV: Theo ông, Việt Nam phải làm gì để đưa thảo dược sạch đến tận tay người dân?
PGS. TS. Nguyễn Tiến Dũng: Theo tôi, nên khuyến khích việc dùng các thảo dược sạch để người Việt Nam ta có thể dùng được nhiều loại dược liệu quý để chữa bệnh mà kinh nghiệm quý báu của cha ông ta để lại. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay cần phải có các biện pháp kiểm soát nguyên liệu đầu vào có nguồn gốc nuôi, trồng rõ ràng, có chứng nhận chất lượng là nguyên liệu sạch. Các công ty sản xuất thuốc phải được khuyến khích thu mua hoặc có những vùng nguyên liệu sạch, không mua nguyên liệu trôi nổi trên thị trường không đảm bảo chất lượng. Tất cả là nhằm mục đích kiểm soát tốt nguyên liệu đầu vào làm thuốc phải sạch, an toàn.
Điều đáng mừng là, hiện nay cũng đã có nhiều doanh nghiệp trong nước xây dựng được những vùng trồng dược liệu sạch, đảm bảo chất lượng. Tôi cho rằng, các doanh nghiệp nếu đã xây dựng được vùng trồng đảm bảo chất lượng cho sản xuất thuốc thảo dược nên chăng phải đưa thông tin như: về địa điểm, diện tích, tiêu chuẩn chất lượng, từ khâu trồng trọt, bảo quản, thu hái, chế biến… lên các kênh thông tin chính thức để đông đảo người dân được biết và lựa chọn sản phẩm an toàn cho mình và người thân.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Hạnh (thực hiện)
Nguồn Suckhoedoisong.vn
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !