(ĐTĐ) – Lãnh đạo, quản lý một bệnh viện có bề dày truyền thống gần 65 năm, Thiếu tướng, PGS, TS Hoàng Mạnh An quan niệm, công tác điều trị phải gắn với nghiên cứu khoa học, không ngừng ứng dụng các kỹ thuật cao vào phục vụ người bệnh; làm bất cứ việc gì cũng luôn nhớ lời Bác Hồ căn dặn, lương y phải như từ mẫu.
Hơn 30 năm khoác áo blouse trắng, Thiếu tướng, PGS.TS Hoàng Mạnh An không nhớ hết đã phẫu thuật bao nhiêu ca bệnh, bao nhiêu bệnh nhân được cứu sống… Chỉ biết rằng, khi nhắc đến ông, nhiều đồng nghiệp nhận xét, ông là “bàn tay vàng” của ngành Ngoại khoa. Hơn thế nữa, những cống hiến của bác sĩ Hoàng Mạnh An cũng đã được ghi nhận bằng những phần thưởng, danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước, Quân đội và địa phương phong tặng: Huân chương Chiến công hạng Nhất; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; của Bộ Quốc phòng; Huy chương Vì sự nghiệp sức khỏe nhân dân; Huy chương vì sự nghiệp Khoa học công nghệ; PGS, Thầy thuốc ưu tú; Thầy thuốc nhân dân…
Thiếu tướng, PGS.TS Hoàng Mạnh An (người đứng đầu tiên từ phải sang) cùng các bác sĩ chăm sóc bệnh nhân nặng tại khoa Hồi sức (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Ông tâm sự, con đường đến với ngành phẫu thuật ngoại khoa của mình như duyên trời định. Năm 1975, sau hơn 4 năm nhập ngũ, chàng thanh niên 23 tuổi Hoàng Mạnh An được tổ chức phân công thi vào Học viện Quân y thay vì tiếp tục theo ngành thủy lợi từng học. Kiến thức hoàn toàn mới mẻ, nhưng với ý chí của một cựu học sinh giỏi Trường Cấp 3 Ý Yên, Nam Định, ông đã vượt qua kỳ thi tuyển. Còn nhớ những năm 1978-1979, thương binh chuyển từ biên giới về rất nhiều. Sinh viên trường quân y lúc đó vừa học vừa phục vụ. Cứ 4h sáng hàng ngày, sinh viên lại đẩy cáng xe chở hàng chục chậu nước đi đánh răng, rửa mặt cho từng thương binh. Hoặc những ngày nghỉ cuối tuần, sinh viên kết nghĩa với chi đoàn bệnh viện cùng giúp thương bệnh binh tắm gội. Hàng ngày, hàng giờ chứng kiến thương tật của thương binh, ngoài tình thương, sự đồng cảm giữa những người lính vào sinh ra tử, trong con người Hoàng Mạnh An trỗi dậy một tình cảm rất đặc biệt, muốn gắn bó, và phục vụ những người đồng đội. Cũng từ đó, cái duyên với nghề y, với ngành Ngoại khoa gắn chặt với ông trong suốt hàng chục năm sau đó.
Sau này, bệnh nhân của ông không chỉ là các chiến sĩ mà còn là người dân lao động. Ông tâm niệm: “Tỷ lệ người dân thuần túy vào chữa trị tại bệnh viện quân đội rất ít, vì hầu hết gia đình Việt Nam đều có bộ đội. Nếu không phục vụ tốt, đem hết khả năng chuyên môn chữa bệnh cho bệnh nhân thì sẽ có tội với chính gia đình và thân nhân của mình”.
Hơn 30 năm gắn bó với nghề, nhưng bác sĩ Hoàng Mạnh An vẫn thấy công việc phẫu thuật ổ bụng của mình không chỉ “lạ” mà còn có sức hút ghê gớm. Ông nói: “Mỗi ca bệnh là một cuộc sát hạch khác nhau, nếu không chú ý hoặc không nghiên cứu kỹ kỹ thuật mổ thì chỉ trở thành “thợ mổ” thông thường. Vì vậy, trong một cuộc phẫu thuật, bác sĩ không chỉ mổ bằng tay, mà cần phải mổ bằng cái đầu. Vì cùng vào cuộc phẫu thuật như nhau, nhưng nếu phán đoán giỏi, phát hiện nhanh tổn thương, đưa ra được chiến thuật hợp lý thì sẽ có một đường mổ đẹp, động tác khẩn trương, rút ngắn thời gian mổ, bớt chảy máu, bệnh nhân sẽ phục hồi tốt hơn”.
Bác sĩ Hoàng Mạnh An gặp gỡ bệnh nhân ghép gan đầu tiên tại Việt Nam
Những thành công từ kỹ thuật ghép tạng
Là người thầy thuốc giỏi, dày công trong nhiều công trình nghiên cứu khoa học, song dấu ấn đậm nét nhất trong sự nghiệp của bác sĩ Hoàng Mạnh An lại gắn liền với thành tựu đã làm nên tên tuổi của Bệnh viện 103: Kỹ thuật ghép tạng.
Ca ghép đa tạng (tụy-thận) đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 3/2014 vừa qua mà PGS.TS Hoàng Mạnh An (Chủ nhiệm đề tài cấp Nhà nước "Nghiên cứu, ứng dụng ghép tụy -thận trên người") và đồng nghiệp thực hiện tại Bệnh viện Quân y 103 đã mở ra triển vọng rất lớn để đội ngũ y bác sĩ tại Việt Nam khẳng định tay nghề và trình độ ngang tầm quốc tế. Người được ghép đa tạng là một chiến sĩ đang công tác tại Ban chỉ huy quân sự tỉnh Sơn La. Bệnh nhân bị đái tháo đường biến chứng nặng dẫn đến suy thận độ 2, không kiểm soát được đường huyết, thường xuyên ngất xỉu và phải nhập viện điều trị nội trú. Nguồn tạng lấy từ một người chết não vì tai nạn giao thông được gia đình tự nguyện hiến tạng.
PGS.TS Hoàng Mạnh An cho biết, hiện kỹ thuật ghép tạng đã trở thành thường quy không chỉ ở Bệnh viện 103 mà nhiều bệnh viện khác trong cả nước. Tuy nhiên, ghép đồng thời 2 tạng thận-tụy trên người thì chưa có bệnh viện nào ở Việt Nam triển khai. Do đó, bệnh viện dự kiến sẽ mời chuyên gia nước ngoài sang giúp đỡ khi thực hiện ca ghép đồng thời 2 tạng đầu tiên. Tuy nhiên, ngay khi có người tự nguyện hiến tạng, Bệnh viện đã quyết định tiến hành ghép ngay vì không thể giữ được lâu nguồn tạng hiến của người chết não để chờ đợi các chuyên gia nước ngoài sang. Do kíp phẫu thuật của bệnh viện đã được ghép thử nghiệm 50 ca trên động vật từ trước đó, cộng thêm nhiều bác sĩ đã có thời gian thực tập tại các trung tâm ghép tạng ở nước ngoài nên ca ghép trên đã thành công tốt đẹp sau 7 tiếng phẫu thuật căng thẳng.
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
Theo PGS, TS Hoàng Mạnh An, từ thành công của ca ghép đa tạng này, mở ra triển vọng ghép tạng cho những người bị tiểu đường nặng vì căn bệnh này thường gây biến chứng suy thận; hoặc các trường hợp đã ghép thận nhưng sau đó mắc bệnh tiểu đường. Song, băn khoăn lớn nhất của người đứng đầu BV Quân y 103 là, tuy Luật Ghép tạng đã ban hành cách đây nhiều năm, nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa hình thành được "ngân hàng" tạng, mà nguyên nhân sâu xa là vướng mắc bởi tư tưởng của phần lớn người dân trong cộng đồng.
Không chỉ thành công trong ca ghép đa tạng trong lịch sử y học nước nhà, trước đó, tên tuổi của bác sĩ An đã được biết đến là người tổ chức và tham gia ca ghép tim người đầu tiên tại Việt Nam.
PGS.TS Hoàng Mạnh An chăm sóc bệnh nhân ghép tim đầu tiên tại Việt Nam (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Trong tâm niệm của người Thầy thuốc nhân dân-Hoàng Mạnh An việc gắn kết giữa đào tạo và điều trị, nghiên cứu, ứng dụng các kỹ thuật cao là giải pháp không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân. Chính vì vậy, ngoài công tác chuyên môn, ông còn dày công trong nhiều công trình khoa học. Ông từng tham gia nghiên cứu phẫu thuật ung thư trực tràng theo phương pháp Babcock-bacon có cải tiến. Kỹ thuật Whitehesd cải biên điều trị trĩ có sa niêm mạc trực tràng do ông cùng đồng nghiệp thực hiện góp phần điều trị mặt bệnh được coi là khó khăn trong những năm 80 của thế kỷ trước, sau này được nhiều bệnh viện học tập áp dụng điều trị…
Trong câu chuyện, chúng tôi thấy những giá trị tư tưởng người lính Cụ Hồ luôn được ông vận dụng vào công việc cụ thể. Dường như tính cách luôn chủ động sẵn sàng và quyết tiến của anh Bộ đội cụ Hồ đã đi vào huyết quản của những người lính một thời khói lửa như ông, đó cũng chính là một trong những chìa khóa giúp ông thành công trên nhiều lĩnh vực.
Ông chia sẻ rằng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần “gần gũi nhân dân, phục vụ nhân dân”, trong những năm qua đội ngũ y, bác sĩ BV Quân dân 103 luôn tổ chức các đội công tác về cơ sở tổ chức khám bệnh, tư vấn chăm sóc sức khỏe và cấp thuốc miễn phí cho nhân dân, đặc biệt là ở các xã vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn. Theo ông, từ những chuyến đi rèn luyện quân như vậy, các chiến sĩ-bác sĩ có thái độ phục vụ với nhân dân tốt hơn, tình cảm quân-dân thêm gắn chặt, đồng thời nâng cao hơn nữa khả năng chuyên môn.
Được biết, ngoài thời gian làm quản lý, trực tiếp tiến hành các cuộc phẫu thuật hay hội chẩn các ca bệnh khó, bệnh hiểm nghèo, bác sĩ An còn tham gia đào tạo, giảng dạy. Nói về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, ông quan niệm rằng, một bác sĩ giỏi cũng chỉ chữa được cho một người bệnh, còn đào tạo được 5 hay 10 bác sĩ thì sẽ có thêm 5 đến 10 người dân được chữa khỏi bệnh. Chính vì thế mà PGS.TS Hoàng Mạnh An đã đào tạo được nhiều thế hệ bác sĩ trẻ trưởng thành, góp phần vào việc chữa bệnh thành công, mang lại tiếng cười cho nhiều gia đình.
Với cương vị là Giám đốc bệnh viện, ông luôn phấn đấu thật sự là tấm gương về đạo đức, lối sống, tận tụy với công việc; thực hiện nói đi đôi với làm và làm có hiệu quả. Ông đề ra và cùng tập thể cán bộ, nhân viên bệnh viện thực hiện: "nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ”; không ngừng cải tiến các thủ tục khám, chữa bệnh để khắc phục kẽ hở có thể phát sinh tiêu cực. Chính vì vậy, nhiều năm qua, Bệnh viện Quân y 103 luôn là địa chỉ khám chữa bệnh đáng tin cậy của quân đội và nhân dân.
“Người dân đến đây khám chữa bệnh không chỉ vì chất lượng chuyên môn tốt mà chính vì tinh thần, thái độ phục vụ. Năm 2010, Bệnh viện Quân y 103 là một trong mười bệnh viện của cả nước được lựa chọn là bệnh viện thân thiện vì sức khỏe cộng đồng”, bác sĩ Hoàng Mạnh An cho biết thêm./.
VOV.vn
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !