(ĐTĐ) – Đưa phong bì cho bác sĩ là chuyện ám ảnh mỗi bệnh nhân khi phải vào viện. Nhưng họ không biết rằng, món quà khiến bác sĩ rơi nước mắt lại thật bất ngờ…
Bác sĩ bật khóc vì món quà của bệnh nhân
Câu chuyện bệnh nhân cảm ơn bác sĩ có muôn hình, vạn trạng. Có cả những hình ảnh được xem là tiêu cực nhưng cũng có những câu chuyện mà cả đời người làm bác sĩ họ không thể nào quên.
Tâm sự với chúng tôi, BS Nguyễn Đình Liên – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kể lại những câu chuyện mà suốt cuộc đời làm nghề y, bác sĩ không thể nào quên.
Cách đây vài năm, có một bệnh nhi phải phẫu thuật vì bị gãy xương cánh tay. Gia đình bệnh nhân chẳng có chút quen biết nào với bác sĩ Liên. Bố bệnh nhân mếu máo vì không có đủ tiền phẫu thuật, cháu bé lại không có bảo hiểm y tế. Trước hoàn cảnh đó, bác sĩ đã điện thoại trực tiếp cho BS Kiên bên Bệnh viện Saint Paul – khoa chấn thương chỉnh hình, nhờ các bác sĩ Kiên và đồng nghiệp bên đó giúp đỡ bệnh nhân vì gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Bệnh nhân được các bác sĩ làm phẫu thuật và điều trị hồi sức thành công. Ngay sau mổ, tầm 12h đêm, bố của bệnh nhân ấy đã mang một túi bánh tẻ vào trong khoa. Trời lạnh, ông mặc bộ quần áo mỏng lấm bẩn, nhầu nhĩ vì bụi bẩn khi lao động. Tay ông cầm túi bánh, gặp BS Kiên cảm ơn kíp trực, giọng chân tình pha chút mặc cảm: "Gia đình tôi cảm ơn các anh, các chị rất nhiều. Gói bánh này mong các anh chị ăn trong ca trực cho đỡ đói". Món quà đặc biệt ấy, cả ca trực đã chia nhau ăn rất ngon lành và không ít bác sĩ, điều dưỡng hôm ấy cảm nhận rõ khóe mắt của họ cay cay. BS Kiên hôm ấy đã chút nữa phải bật khóc vì ông không thể nào quên được túi bánh tẻ và tấm lòng của bệnh nhân và người nhà họ.
Về bản thân mình, bác sĩ Liên vẫn nhớ như in khi anh còn là bác sĩ nội trú ở Bệnh viện Bạch Mai, trong lần trực đã cấp cứu cho một bệnh nhân bị vỡ vật hang. Sau khi phẫu thuật thành công, vợ bệnh nhân cầm 50 nghìn đồng cảm ơn bác sĩ. Biết gia đình bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, nhà có 2 con nhỏ, nuôi bố già bị mù lòa, lại nuôi thêm 1 đứa cháu con của em gái, BS Liên từ chối.
“Có bác sĩ nào không suy nghĩ cho trường hợp gia cảnh bệnh như thế này? Buổi trưa đi buồng thăm bệnh nhân sau mổ, bác sĩ nhìn bệnh nhân ăn cơm nguội với gói nước mì tôm pha, thật không thể kìm lòng được. Tý nữa tôi bật khóc. Tôi phải chạy ra ngoài hành lang để lau vội nước mắt”, BS Liên kể lại.
Chưa hết. Trong cuộc đời làm bác sĩ của mình, BS Liên còn gặp trường hợp bệnh nhân nữ, bị shock do u nang buồng trứng xoắn. Sau mổ, bệnh nhân được chuyển về hồi sức ở khoa cấp cứu nội Bệnh viện Bạch Mai… và hết sạch tiền sau 1 tuần điều trị. Khi xuống thăm bệnh nhân, bác sĩ đã thấy ở ngay cạnh giường bệnh 1 hòm quyên góp tiền. “Dẫu bệnh nặng nhưng bệnh viện vẫn quyết tâm cứu bằng được bệnh nhân. 2 thầy trò tôi chẳng ai bảo ai đều có ít tiền bỏ vào để quyên góp cho bệnh nhân. Chồng bệnh nhân chẳng nói được gì chỉ mếu máo "em cảm ơn các bác sĩ"… Lúc đó trái tim của chúng tôi cũng rỉ máu, cũng đau thắt đấy chứ…", BS Liên tâm sự.
100 bác sĩ, điều dưỡng chia nhau gói Choco-Pie
Máy vật lý trị liệu Bộ Quốc phòng
Công ty Cổ phân TSun Việt Nam
[DoctorHome DH14] Máy trị liệu đa năng DoctorHome DH-14 (tiêu chuẩn)
Hỗ trợ cơ xương khớp chi dưới
TS Khu Thị Khánh Dung – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương kiêm trưởng khoa Sơ sinh của Bệnh viện chia sẻ về câu chuyện cảm động khi nhận món quà cảm ơn mà họ trân trọng mãi mãi.
Trong khoa sơ sinh của bệnh viện có hơn 100 cán bộ, viên chức. Công suất làm việc của họ luôn cao trong khi khoa chủ yếu là nữ. Dù vậy, bác sĩ Dung vẫn luôn động viên các bác sĩ, điều dưỡng phải hết lòng vì bệnh nhân và nói không với phong bì.
BS Dung nhớ nhất là trường hợp bệnh nhi bị suy hô hấp độ 3 điều trị trong khoa. Cháu bé tưởng khó qua khỏi nhưng phép màu kỳ diệu đã đến. Bé sống sót và được ra viện. Khi ra viện, bố mẹ cháu bé bịn rịn vì họ không biết cảm ơn bác sĩ bằng cái gì. Họ ám ảnh rằng phải có phong bì, phải có tiền tặng bác sĩ nhưng không thể làm được. Cuối cùng, trong tay họ chỉ có gói bánh choco-Pie, ấp úng, ngại ngùng đi cảm ơn các bác sĩ. Bác sĩ Dung đã nhận gói bánh và gọi nhân viên lại chia nhau bánh ăn để người nhà bệnh nhân yên tâm đưa con về nhà.
Bác sĩ Dung kể hơn trăm nhân viên, gói bánh tuy không đủ chia mỗi người một cái nhưng tấm lòng của người nhà bệnh nhân thì bác sĩ cảm kích rất nhiều. Giá trị của nó không lớn nhưng tinh thần của món quà thì không gì đánh đổi được.
Nguồn News.zing.vn
Thông tin về y học chỉ mang tính tham khảo, bạn cần hỏi ý kiến của thầy thuốc trước khi áp dụng cho mình và người thân. Với mỗi người việc đáp ứng với các liệu trình điều trị là khác nhau tùy thuộc cơ địa bản thân !